Hỏi đáp về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, lồng ghép tuyên truyền

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cho đội ngũ báo cáo viên. 

        Ảnh: Linh Loan (CTV)

Hỏi: Thời điểm có hiệu lực của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 sẽ bắt đầu khi nào ? Theo Luật TNBTCNN, nguyên tắc bồi thường của Nhà nước được quy định như thế nào?

Trả lời: Ngày 20/6/2017, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Luật TNBTCNN đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/07/2018. Luật gồm có 9 chương và 78 điều.

Tại Điều 4 quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước như sau: Việc bồi thường của Nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật TNBTCNN. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật này. Người yêu cầu bồi thường đã yêu cầu một trong các cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại Khoản 7 Điều 3 của Luật này giải quyết yêu cầu bồi thường và đã được cơ quan đó thụ lý giải quyết thì không được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 52 của Luật này. Nhà nước giải quyết yêu cầu bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự theo quy định của Luật này. Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.

Hỏi: Người nào có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 5 Luật TNBTCNN quy định những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường: (1) Người bị thiệt hại; (2) người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; (3) Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự; (4) Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Hỏi: Quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu bồi thường được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 13 Luật TNBTCNN quy định:

1- Người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có quyền sau đây: Yêu cầu một trong các cơ quan quy định tại Khoản 7 Điều 3 của Luật này giải quyết yêu cầu bồi thường và được thông báo kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính; khiếu nại, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình theo quy định của pháp luật. Nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Được cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường. Ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2- Người yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại có nghĩa vụ sau đây. Cung cấp kịp thời, chính xác, trung thực tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của mình. Tham gia đầy đủ vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo yêu cầu của cơ quan giải quyết bồi thường. Chứng minh những thiệt hại thực tế của mình được bồi thường theo quy định tại Luật này và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3- Người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo pháp luật, người thừa kế của người bị thiệt hại hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại có quyền, nghĩa vụ quy định tại Khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4- Người yêu cầu bồi thường là người đại diện theo ủy quyền có quyền, nghĩa vụ quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 và Khoản 2 Điều này trong phạm vi ủy quyền.

Hỏi: Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường?

Trả lời: Theo Điều 16 Luật TNBTCNN về các hành vi bị nghiêm cấm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường được quy định như sau: (1) giả mạo tài liệu, giấy tờ hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ sai sự thật trong hồ sơ yêu cầu bồi thường và trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường; (2) thông đồng giữa người yêu cầu bồi thường với người giải quyết bồi thường, người có liên quan để trục lợi; (3) lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp trái pháp luật vào quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả và xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại; (4) không giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc giải quyết yêu cầu bồi thường trái pháp luật; (5) không thực hiện việc xác định trách nhiệm hoàn trả hoặc không xem xét, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ gây thiệt hại; (6) sách nhiễu, cản trở hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường.

Linh Loan (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới