Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhân dân

Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, các cấp, ngành, các địa phương đã công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính trên hệ thống cổng thông tin và niêm yết tại trụ sở các cơ quan, đơn vị…, góp phần giảm vi phạm pháp luật và khiếu nại, khiếu kiện. Đó là những kết quả cơ bản của việc triển khai Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 trên địa bàn tỉnh.

Giọng nữ
Nhân dân tra cứu thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, xác định việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin là nhiệm vụ trọng tâm. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện luật hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị.

Bám sát các văn bản hướng dẫn, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý đã thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành. Sử dụng hệ thống phần mềm điện tử VNPT-ioffice để chỉ đạo, điều hành, quản lý hồ sơ, giải quyết công việc chuyên môn. Tăng cường hoạt động tương tác, trao đổi thông tin, các sở, ngành đã thiết lập các mục: “Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo”, “Thông tin cải cách hành chính”, “Văn bản quy phạm pháp luật”, “Văn bản chỉ đạo điều hành”, “Thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật”, “Công báo”, “Thông báo”, “Chuyên mục hỏi - đáp”, “Tiếp cận thông tin”… giúp tổ chức, cá nhân tìm hiểu, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.

Từ đầu năm đến nay, các cấp chính quyền, các ngành trong tỉnh đã thực hiện công khai 30.168 thông tin, với hơn 102 triệu lượt thông tin được khai thác. Ngoài ra, tiếp nhận 1.404 yêu cầu cung cấp thông tin; trong đó, đã giải quyết 1.403 thông tin cho tổ chức, cá nhân. Các nội dung công khai tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành; chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường... trên cổng thông tin điện tử từ tỉnh đến huyện. Thông tin công khai, minh bạch giúp các doanh nghiệp nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư.

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, thông tin: Huyện có 16 xã, thị trấn. Thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công khai các danh mục thuộc lĩnh vực, cấp quản lý trên Cổng thông tin điện tử huyện, xã theo Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện tuyên truyền; treo panô, áp phích, khẩu hiệu... Việc cung cấp nội dung trọng tâm, trọng điểm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các sở, ban, ngành, UBND huyện, xã, phường, thị trấn đã niêm yết công khai các danh mục TTHC; quy trình giải quyết TTHC được UBND tỉnh công bố thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của các sở, ngành. Anh Vàng A Mai, bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Tôi đến xã để làm thủ tục liên quan đến tư pháp, hộ tịch. Nhờ cán bộ hướng dẫn khai tờ khai theo mẫu có sẵn, chỉ 20 phút đã lấy được kết quả. Các nội quy, quy chế, trình tự thủ tục, mức thu phí, thời hạn giải quyết từng loại hồ sơ được niêm yết công khai, rõ ràng, dễ xem, tôi rất hài lòng.

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân, các cấp, ngành tiếp tục rà soát, phân loại, lập danh mục các thông tin phải công khai; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin. Tăng cường cung cấp thông tin bằng tiếng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh cải cách TTHC; tăng cường rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định của pháp luật, các thủ tục hành chính không phù hợp, các giấy tờ không cần thiết. Biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tạo chuyển biến trong tiếp cận pháp luật của nhân dân.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới