Chuyển đổi số nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Tòa án

Chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, được Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Sơn La chú trọng thực hiện thông qua việc tăng cường và chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, thụ lý và giải quyết các vụ án, tổ chức xét xử trực tuyến, sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, cung cấp dịch vụ công tư pháp trực tuyến… nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Giọng nữ
Phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu trung tâm Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La.

Điểm nổi bật trong công tác chuyển đổi số của TAND hai cấp trong tỉnh thời gian qua chính là việc tổ chức xét xử các phiên tòa bằng hình thức trực tuyến theo tinh thần Nghị quyết số 33 /2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. TAND hai cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với VNPT Sơn La, Công an, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ sở giam giữ và các cơ quan, tổ chức có liên quan tận dụng hệ thống truyền hình trực tuyến phiên tòa do tỉnh hỗ trợ để tổ chức tốt các phiên tòa trực tuyến và phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến.

Việc tổ chức xét xử trực tuyến các vụ án hình sự bảo đảm việc dẫn giải bị cáo từ nơi giam giữ đến địa điểm xét xử an toàn, tiết kiệm công sức, chi phí dẫn giải, chi phí bảo vệ phiên tòa; đối với các vụ việc dân sự, hành chính tạo điều kiện cho đương sự có thể tham gia phiên tòa phúc thẩm ngay tại Tòa án cấp huyện nơi cư trú hoặc tham gia phiên tòa tại trụ sở làm việc, góp phần giảm thời gian, công sức, tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí xã hội phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ án; hạn chế tình trạng hoãn phiên tòa do vắng mặt người tham gia tố tụng…

Điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam Công an tỉnh Sơn La.

Từ năm 2022 đến nay, TAND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức là 517 phiên tòa trực tuyến. Trong năm 2024 đã tổ chức 189 phiên tòa rút kinh nghiệm, đạt 3,2 phiên tòa/thẩm phán, trong đó có 13 phiên tòa rút kinh nghiệm được truyền hình trực tuyến; TAND tỉnh đã tổ chức tốt 1 phiên tòa rút kinh nghiệm được truyền hình trực tuyến đến TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND hai cấp của 28 tỉnh thuộc địa hạt tư pháp của TAND cấp cao tại Hà Nội với hơn 300 điểm cầu tham dự phiên tòa, tạo điều kiện cho các địa phương học tập kinh nghiệm tổ chức xét xử, giúp các thẩm phán tự học tập, tích lũy kiến thức, tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Minh Hải, Chánh án TAND tỉnh, cho biết: Việc tổ chức tốt các phiên tòa trực tuyến và các phiên tòa rút kinh nghiệm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thẩm tra viên, thư ký TAND hai cấp tỉnh Sơn La trong việc tự học tập, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Đây cũng là giải pháp đột phá, hữu hiệu để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng phiên tòa, chất lượng xét xử, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần giữ ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Cán bộ TAND tỉnh sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo” tra cứu thông tin pháp luật.

Việc ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” hỗ trợ công tác xét xử được TAND hai cấp trong tỉnh triển khai” đến 100% công chức có chức danh tư pháp. Theo đó, phần mềm “Trợ lý ảo” hỗ trợ trong hoạt động giải quyết án, tra cứu thông tin văn bản pháp luật, hỗ trợ soát lỗi chính tả nội dung bản án và mã hóa, đăng tải bản án, quyết định lên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án, qua đó giúp giảm được đáng kể khối lượng công việc so với thao tác truyền thống. Đến nay, đã có hơn 89.982 lượt truy cập, tra cứu 82.221; đặt 772 câu hỏi tình huống pháp lý trên phần mềm “Trợ lý ảo”.

Chia sẻ về hiệu quả mang lại của trợ lý ảo, bà Điêu Thị Kim Liên, Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết: Quá trình sử dụng “Trợ lý ảo” tôi thấy đây là công cụ hữu ích, giúp việc soạn thảo văn bản tố tụng, soát lỗi chính tả và mã hóa bản án... qua đó giúp giảm phần nào khối lượng công việc cho thẩm phán. Cùng với đó, qua phần mềm này giúp tôi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ trong giải quyết các vụ án, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng xét xử.

Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm phiên toàn trực tuyến.

Bên cạnh đó, một trong những bước chuyển biến quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số tại TAND hai cấp trong tỉnh thời gian qua là việc công khai các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án. TAND hai cấp đã công bố hơn 27.536 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án. Thực hiện nghiêm túc việc số hóa hồ sơ vụ án trên phần mềm nội bộ số hóa một số tài liệu, trong hồ sơ án (https://hoso.toaan.gov.vn); số hóa được 31.469 hồ sơ các loại với hơn 111.000 tài liệu được số hóa; 100% thông tin lý lịch công chức, người lao động của Tòa án nhân dân hai cấp được cập nhật và quản lý thống nhất trên nền tảng số thông qua phần mềm Quản lý nhân sự (https://qlcb.toaan.gov.vn).

Trong thời gian tới, TAND hai cấp trong tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực quản trị Tòa án trên nền tảng số; quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các phần mềm nội bộ dùng chung của hệ thống tòa án, các dịch vụ tư pháp công trực tuyến, các trang thông tin điện tử của Tòa án để công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư pháp công trực tuyến của tòa án.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới