Trung tuần tháng 2, đến huyện Sông Mã (Sơn La) trong tiết trời se lạnh, nổi bật giữa màu xanh của chồi non, lộc biếc, của đất trời mùa xuân, là rực rỡ màu hoa gạo đỏ, như hàng nghìn đốm lửa nhỏ đang bập bùng cháy giữa khoảng không trung, khiến ai ngắm nhìn cũng đắm say.
Không phải ngẫu nhiên mà màu hoa gạo đỏ đi vào thi ca, âm nhạc và thấm đẫm trong ký ức tuổi thơ của nhiều người dân huyện Sông Mã.
“Sông Mã ơi, tháng ba hoa gạo đỏ/ Sông Mã ơi miền Tây nắng gió/ Xây nên màu hoa gạo đỏ/ Bên dòng nước trong xanh/ Em vớt rêu bên cồn đợi nắng...”, lời hát trong ca khúc “Sông Mã mùa hoa gạo đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Việt Cường luôn ngân vang, da diết trong lòng những người con Sông Mã mỗi khi xa quê.
Mùa hoa nở rộ, tán cây gạo như một mâm xôi khổng lồ đỏ rực giữa trời.
Những đóa hoa gạo như thắp lửa một góc trời.
Hoa gạo có 5 cánh, thoáng trông như hình ngôi sao. Cánh hoa dày, màu hoa đỏ sẫm. Nhặt những bông hoa gạo để kết thành những vòng nguyệt quế rực rỡ là niềm yêu thích của nhiều trẻ em nơi đây.
Trước kia, chưa có lịch và các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến như bây giờ, bà con lấy mùa hoa gạo để xác định khung thời vụ theo kinh nghiệm: "Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng".
Mùa hoa gạo nở cũng là thời điểm chuyển mùa từ tiết trời se lạnh sang gió Lào cuồn cuộn, như thúc giục bà con nông dân huyện Sông Mã bước vào vụ mới.
Hoa gạo không chỉ mang lại vẻ đẹp rực rỡ, ấm áp cho các vùng quê, mà còn rất tốt cho sức khỏe, được biết đến như một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Theo Đông y, nhiều bộ phận của cây gạo như hoa, vỏ cây, rễ được sử dụng làm thuốc.
Hàng cây gạo bên dòng sông Mã tại xã Chiềng Khương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!