Sau gần 4 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, bức tranh nông nghiệp huyện Mường La có nhiều khởi sắc. Huyện Mường La đã vươn lên là một trong những huyện có sản lượng quả xuất khẩu dẫn đầu của tỉnh.
HTX Nông nghiệp Đảo Ngọc, xã Mường Bú (Mường La) thu hoạch xoài để phục vụ xuất khẩu.
Cách đây vài năm, những mặt hàng nông sản của huyện Mường La hầu hết vẫn ở dạng tiềm năng, phát triển với quy mô nhỏ, giá trị kinh tế chưa cao. Bước ngoặt từ năm 2015, cụ thể hóa chủ trương, phát triển cây ăn quả trên đất dốc của Tỉnh ủy, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn của HĐND tỉnh, huyện Mường La đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ dân chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng cây hoa màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả giá trị cao; rà soát, lập danh sách hỗ trợ ghép cải tạo hàng trăm ha xoài, nhãn theo quy trình sản xuất VietGAP và các tiêu chuẩn an toàn khác; hỗ trợ thành lập 33 HTX hoạt động lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; xây dựng 2 chuỗi quả, 1 chuỗi cá đạt tiêu chuẩn VietGAP cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Vũ Đăng Kế, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Đoàn kết, tiểu khu 2, xã Mường Bú, thông tin: HTX có 12 thành viên, quy mô sản xuất 78 ha trồng xoài, nhãn ghép, táo đại và các loại cây ăn quả khác, trong đó 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ khi thành lập đến nay, HTX được hỗ trợ mua cây giống, kỹ thuật thực hành sản xuất; tham quan học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ tem nhãn, bao bì phục vụ tiêu thụ sản phẩm. Vụ xoài năm nay, HTX đã xuất khẩu hơn 100 tấn thông qua Công ty cổ phần Lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng, dự kiến đến hết vụ sẽ xuất khẩu thêm khoảng 20 tấn.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện được biết, huyện xác định xoài, nhãn, bưởi da xanh là những loại cây trồng chủ lực để xóa đói nghèo và làm giàu cho nông dân. Ngoài ra, huyện sẽ cải tạo giống mít tứ quý; quy hoạch và phát triển vùng chuyên canh trồng chuối theo quy trình VietGAP. Hiện nay, toàn huyện có 5.413 ha cây ăn quả, trong đó 2.069 ha sơn tra, 1.655 ha xoài, 536 ha nhãn, 679 ha chuối, 138 ha bưởi, 12 ha chanh leo và một số loại cây ăn quả khác, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến đầu tháng 6, huyện đã xuất khẩu trên 500 tấn xoài, vượt gần 200 tấn so với kế hoạch năm 2019 và tăng gần 500% so với năm 2018.
Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã thực sự tạo sức bật lớn cho nông nghiệp Mường La phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Trong đó, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ các công trình thủy điện được coi là thế mạnh. Ngoài Công ty TNHH Một thành viên cá tầm Việt Nam đầu tư thâm canh quy mô lớn, huyện đã thành lập 4 HTX nuôi cá lồng, quy mô từ 40 đến 100 lồng/HTX, năng suất bình quân từ 400 đến 700 kg/lồng/năm, doanh thu ước đạt 25 triệu đồng/lồng/năm. HTX thủy sản Nậm Giôn và HTX Bình Minh đã được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cá Sông Đà. Đây là điều kiện quan trọng đối với lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cá Sông Đà.
Chia sẻ tiềm năng nuôi cá lồng trên lòng hồ các công trình thủy điện, ông Nguyễn Ngọc Nam, Quản đốc Công ty TNHH Một thành viên cá tầm Việt Nam cho biết: Khu vực xã Mường Trai có dòng chảy phù hợp để nuôi cá tầm. Từ 30 lồng nuôi thí điểm năm 2011, đến nay Công ty phát triển lên 180 lồng, cung ứng cho thị trường từ 15 đến 20 tấn cá thương phẩm/tháng. Đến hết năm 2019, Công ty sẽ mở rộng thêm 100 đến 200 lồng cá và khai thác thêm sản phẩm trứng cá tầm. Cá tầm và sản phẩm trứng cá tầm là đặc sản có giá trị cao, với quy mô hiện tại, Công ty vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Với việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã từng bước mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp của Mường La. Từ quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang chuyển mạnh sang những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, xây dựng được thương hiệu nông sản an toàn, đáp ứng các tiêu chí của thị trường nội địa và xuất khẩu, tăng thu nhập cho nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!