Tình trạng xuất cảnh trái phép đi làm thuê ở Mường La: Thực trạng và giải pháp

Một phần thiếu công ăn việc làm, một phần do mong muốn tìm được việc làm nhàn hạ nhưng có thu nhập cao nên từ nhiều năm nay, nhiều người dân ở huyện Mường La nghe theo đối tượng xấu dụ dỗ, lừa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Đây là việc làm trái pháp luật, khiến chính những người lao động phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro, thậm chí có khi phải đổi cả mạng sống của mình vì không có sự bảo hộ của bất kỳ cơ quan, tổ chức lao động nào.

 

Công an huyện Mường La tuyên truyền, vận động người dân xã Chiềng Công (Mường La)

thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Nằm ngay cạnh quốc lộ 279D, bản Ái Ngựa, xã Hua Trai có 52 hộ, 245 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Cuối tháng 10, thời điểm vụ thu hoạch lúa, ngô, lẽ ra nhà nhà, người người dồn hết nhân lực ra đồng, lên nương, xong nơi đây lại vắng vẻ, bởi những lao động chính hầu hết đã vượt biên sang Trung Quốc làm thuê. Dẫn chúng tôi đến ngôi nhà gỗ mới dựng, cửa đóng im lìm, ông Quàng Văn Bó, Trưởng Công an xã Hua Trai, thông tin: Đây là ngôi nhà của chị Tòng Thị Viên, sinh năm 1986. Năm 2012, chị Viên cùng chồng sang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc lao động, được một thời gian thì 2 người ly hôn, đứa con gửi cho ông bà ngoại chăm sóc. Chị Viên vẫn đi lại 2 nơi để thăm con, mỗi năm mang về được gần 100 triệu đồng. Thấy chị Viên đi lao động mang được tiền về cho gia đình, nhiều người dân trong bản cũng đi theo. Cả bản hiện có khoảng 30 lao động đang làm việc tại Trung Quốc, thi thoảng mới về.

Tuy nhiên, không phải ai đi lao động sang bên kia biên giới cũng may mắn mang được những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” về nhà. Nhiều trường hợp khi vượt biên qua bên kia biên giới đã trở thành nạn nhân của đường dây mua bán người, làm gái mại dâm, bị ép “làm vợ” của đủ thế hệ đàn ông trong 1 gia đình hay phải “đẻ thuê” nơi đất khách. Theo thông tin của Công an huyện Mường La, chúng tôi tìm đến xã Chiềng Công - một trong những địa bàn có nạn nhân của nạn buôn bán người mới được giải cứu. Chúng tôi được cán bộ công an huyện phụ trách xã và Hội phụ nữ xã dẫn đến nhà em Sùng Thị S., bản Đin Lanh. Động viên mãi, S. mới đồng ý nói chuyện với chúng tôi, nhưng thái độ vẫn dè dặt. S. ngậm ngùi: 14 tuổi em đã kết hôn, sinh con. Do thiếu kiến thức nuôi con nên bé bị mất khi vừa mới sinh vài ngày tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại xảy ra mâu thuẫn với gia đình chồng, giữa tháng 1 năm 2018, nghe theo lời dụ dỗ của một người lạ trên facebook hứa hẹn tìm giúp một công việc có thể kiếm tiền, nên em đã tự bắt xe khách lên cửa khẩu Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Sang bên kia biên giới, em mới biết mình bị lừa và tìm cách chạy trốn. Sau vài ngày trốn chui  lủi trong rừng, em may mắn  về được xã Bản Lầu, huyện Mường Khương được Công an xã Bản Lầu hỗ trợ thông tin về Công an xã Chiềng Công. Ngày 23/1, lãnh đạo địa phương và Công an huyện Mường La đã lên Lào Cai đón em về.

Còn trường hợp chị Lèo Thị N., bản Nà Tòng, xã Hua Trai phải mất 5 năm lưu lạc mới tìm được về quê hương. Chị N. kể: Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, tháng 8 năm 2013, tôi cùng chị C. ở bản Nong Pi, xã Pi Toong rủ nhau đi làm thuê tại Hải Dương. Lúc mới đi làm lương thấp, nên khi gặp đôi vợ chồng ở Hải Dương rủ đi làm thuê ở Trung Quốc, nghe kể công việc nhàn hạ, lương lại cao, với mong muốn tích cóp ít vốn liếng về lo cho gia đình nên tôi đồng ý đi cùng. Họ dẫn tôi và chị C. theo đường mòn để sang Trung Quốc. Sang đến nơi, tôi và chị C. được một người dân Trung Quốc đón, cho nghỉ tại nhà 10 ngày. Sau đó, tôi bị ép lấy một người đàn ông Trung Quốc tên Ú Duyên và có một đứa con chung, còn chị C. đi cùng thì mất liên lạc từ đó. Nhớ lại cuộc hành trình vượt biên làm thuê rồi bị bán làm vợ, ánh mắt đỏ hoe của chị N. hiện rõ nỗi day dứt vì nhớ đứa con dứt ruột đẻ ra còn ở lại nơi đất khách và chuỗi ngày vất vả, gian truân ở xứ người. Có lẽ vì thế mà người mẹ trẻ sinh năm 1985 nhưng nhìn già hơn nhiều so với tuổi. 

Nạn nhân Vì Thị T. ở bản Nà Núa, xã Pi Toong bỏ nhà đi từ năm 2016 thì lại có kết cục buồn hơn rất nhiều. Hơn 2 năm nay, người thân trong gia đình chị vẫn mòn mỏi mong ngóng tin chị trở về. Trong ngôi nhà sàn cũ kỹ không có tài sản nào đáng giá ngoài cái tủ tường gỗ ép và chiếc ti vi đã cũ. Bố mẹ chị đã già yếu, ngày ngày mong ngóng khi không biết con gái nơi đất khách giờ ra sao.

Câu chuyện những người dân, trẻ vị thành niên ở huyện Mường La rời bỏ quê hương đi lao động không phải mới. Như bản Ái Ngựa, xã Hua Trai, một số bản của xã Tạ Bú, Ngọc Chiến, số thanh niên đi lao động chiếm đến hơn nửa. Người nọ rỉ tai người kia, họ hàng, người quen biết bảo nhau, cứ như một dây chuyền nối bản này sang bản kia, xã này sang xã khác. Nhiều trường hợp đi làm ăn xa, không hề thông báo tạm trú, tạm vắng, khi chính quyền hỏi đến gia đình hoặc khi phía bên nước bạn bắt được một số người vượt biên trái phép trao trả về thì địa phương mới biết.

Những năm gần đây, xuất khẩu lao động giúp các địa phương giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, đánh vào tâm lý một bộ phận người dân trình độ dân trí thấp, không muốn làm việc gò bó theo hợp đồng, không muốn mất tiền học nghề, học tiếng và chi phí xuất cảnh, một số đối tượng xấu đã dụ dỗ, tổ chức đưa người lao động xuất cảnh trái phép sang lao động “chui” làm việc ở một số nước. 

Theo lãnh đạo Công an huyện Mường La, nguyên nhân của tình trạng đi lao động “chui” chủ yếu do kinh tế khó khăn. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, các đối tượng xấu tiếp cận chủ yếu là thanh niên qua những người quen biết, hay họ hàng của nạn nhân; hoặc thông qua mạng xã hội, như: Zalo, facebook vẽ ra công việc nhàn, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo họ...

Hầu hết những lao động “chui” sang Trung Quốc đều là lao động thời vụ, ít học, không biết tiếng và chữ Trung Quốc, lại không thông thạo đường đi, lối lại nên gặp rất nhiều khó khăn. Vì xuất cảnh trái phép nên hầu hết sau khi sang đến xứ người, người may mắn thì được thuê làm việc tại các nông trại với những công việc lao động thời vụ, như: Thu hoạch mía, gặt lúa, bẻ ngô, thợ xây, hái cam hay làm trong các xí nghiệp sản xuất như người dân bản Ái Ngựa... Còn không, sẽ phải là việc 14 tiếng/ngày, không có ngày nghỉ, không được hưởng bất cứ chế độ nào. Ngoài ra, còn bị phân biệt đối xử, ăn uống kham khổ, không được trả tiền theo tháng mà giữ lại theo quý, theo năm. Nhiều người bị quỵt lương, đành phải sống chui lủi và bị trục xuất trở về nước.

Để ngăn chặn tình trạng này, ngoài tích cực tuyên truyền, vận động, chính quyền địa phương cần tạo việc làm tăng thu nhập giúp bà con ổn định cuộc sống. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Mường La hiện có số lao động vượt biên đi lao động “chui” lên tới 210 người. Trong số đó, có 80 lao động đi “chui” sang Trung Quốc mất liên lạc 2 năm nay. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Công an huyện Mường La đã phối hợp bắt giữ, xử lý 8 vụ mua bán người, giải cứu 12 nạn nhân.

Vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động “chui” khiến người dân phải chịu nhiều rủi ro. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng này vẫn là bài toán khó. Một phần nguyên nhân là do để được đi xuất khẩu lao động, người lao động phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, như: Khám sức khỏe, học ngoại ngữ, học nâng cao tay nghề, trình độ... Dù có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động, tuy nhiên, mức chi phí ăn ở, học tiếng, học nghề, làm hộ chiếu cũng vượt quá khả năng kinh tế của người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Do vậy, có nhiều trường hợp dù biết là bất hợp pháp nhưng vì “miếng cơm, manh áo”, họ vẫn tìm cách sang Trung Quốc làm việc thông qua những người quen, họ hàng, thậm chí cả những đối tượng xấu đưa người trái phép qua biên giới với chi phí rất thấp. Vì vậy, dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý, song để giải quyết tình trạng này vẫn là “bài toán” khó. Gần đây nhất, tháng 8/2018, nhận được tin báo của bà con nhân dân xã Ngọc Chiến có 2 lao động của xã tự vượt biên sang Trung Quốc kiếm việc làm. Công an huyện Mường La đã thông tin kịp thời với Công an Lào Cai giữ lại ở cửa khẩu.

Theo Công an huyện Mường La, nhiều trường hợp đi về nhưng không khai báo, khiến cho những người xung quanh không biết, vẫn ôm mộng “việc nhẹ, lương cao” ở Trung Quốc. Quá trình đấu tranh với các đối tượng gặp nhiều khó khăn, do lúc phát hiện ra đưa sang biên giới, chỉ có người nhà bị hại đến trình báo, thiếu thông tin để điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng đưa người trái phép sang Trung Quốc. Như trường hợp của chị Lèo Thị N. trở về sau 5 năm lưu lạc, đơn vị chức năng phải triệu tập rất nhiều lần mới khai thác được thông tin vì chị mặc cảm, cũng như sợ bị chính quyền xử phạt. Hay trường hợp nạn nhân Vì Thị T. ở bản Nà Núa, xã Pi Toong, chỉ đến khi nạn nhân gọi về gia đình báo là đã bị lừa bán, gia đình báo lên chính quyền địa phương mới biết, nhưng cũng không xác định được ở chỗ nào. Khó khăn nhất hiện nay là chế tài xử lý đối với các trường hợp vượt biên sang Trung Quốc lao động “chui” rõ ràng là xuất, nhập cảnh trái phép, là vi phạm pháp luật, nhưng hình thức xử lý cũng chỉ ở mức giáo dục tuyên truyền, bởi nếu phạt hành chính thì những người dân nghèo cũng không có tiền để nộp. Vì vậy, đối với những trường hợp đi lao động “chui” sang Trung Quốc trở về, lực lượng công an cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nắm bắt thông tin. Bởi họ biết vi phạm luật và sợ khi thừa nhận sẽ bị xử phạt.

Trước thực trạng này Công an huyện Mường La đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền; chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung đấu tranh ngăn ngừa thủ đoạn, hoạt động của tội phạm mua, bán người. Thượng tá Vũ Việt Cường, Phó trưởng Công an huyện Mường La cho biết: Công an huyện đã cử cán bộ an ninh đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, giải thích cho bà con vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật;vận động người dân không nghe lời của các đối tượng xấu; cảnh báo cho nhân dân những nguy cơ rủi ro có thể gặp phải như: Bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ, xử phạt; bị lừa bán vào các động mại dâm; bị chủ lao động quỵt tiền công; bị đánh đập, xâm hại sức khỏe tình dục; ốm đau, tai nạn không được hưởng chế độ bảo hiểm...

Thông qua tuyên truyền, vận động tại các cuộc họp bản, lực lượng Công an huyện, Ban Công an xã tổ chức cho nhân dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; vận động các gia đình có người thân đang lao động làm thuê bên Trung Quốc kêu gọi con em quay trở về địa phương. Chỉ đạo lực lượng công an huyện phụ trách xã quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, bám nắm địa bàn, rà soát, phát hiện sớm các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo đưa người xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc, nhất là các dấu hiệu nghi vấn liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn để xử lý vấn đề căn bản, lâu dài là giải quyết việc làm cho người dân, giúp họ có thu nhập chính đáng, ổn định ngay ở quê hương. Mong rằng các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, nhanh chóng chấm dứt tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động “chui”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nguyễn Yến - Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới