Thành công từ nuôi chim bồ câu thương phẩm

Nắm bắt được nhu cầu thị trường về chim bồ câu thịt, chim bồ câu giống, anh Đỗ Văn Thành, bản Giàn, xã Mường Bú (Mường La) đã thành công với mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Đỗ Văn Thành, bản Giàn, xã Mường Bú (Mường La) (người đứng giữa)

trao đổi kinh nghiệm nuôi chim bồ câu thương phẩm với người dân trong huyện.

Là giáo viên giảng dạy môn Lịch sử của Trường THPT Mường Bú, anh Thành lại có sở thích chăn nuôi, trồng cây trong thời gian không lên lớp. Năm 2014, anh đi tham quan mô hình nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm của bạn bè ở tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hưng Yên, thấy điều kiện ở địa phương phù hợp với việc nuôi chim bồ câu, nên đầu năm 2015, anh bàn với gia đình cải tạo hơn 300 m² đất vườn sau nhà để nuôi thử nghiệm 50 cặp chim bồ câu bố mẹ. Sau hơn 6 tháng nuôi, chim bồ câu sinh sản lứa đầu 35 cặp chim non, anh Thành giữ lại nuôi tiếp để tăng số lượng chim bố mẹ trong đàn. 1 năm sau, gia đình anh có khoảng 200 cặp chim bồ câu bố mẹ.

 Khu chuồng trại để nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình anh Thành được thiết kế khá quy mô và khoa học, các dãy chuồng nuôi đặt trên các trụ gạch cách nền chuồng khoảng 50 - 60 cm, chia thành từng ngăn, kẹp giấy màu đỏ, hồng, xanh để theo dõi chế độ thức ăn, dinh dưỡng cho từng loại chim bố mẹ và chim thịt. Anh Thành chia sẻ: Chim bồ câu Pháp phát triển nhanh, diện tích chuồng nuôi không rộng, không kén thức ăn, ít bị dịch bệnh. Một năm một cặp chim bố mẹ đẻ từ 8 - 10 lứa. Nếu nuôi chim bán giống thì tách chim non khỏi chim mẹ khi chúng được 30 ngày tuổi; nuôi chim bán thịt thì tách khi được 20 - 22 ngày tuổi; trọng lượng chim thương phẩm trung bình từ 0,4 - 0,6 kg/con, giá bán từ 120 - 150 nghìn đồng/cặp. Ngoài ra, phân chim bồ câu được thu gom rồi rắc vôi bột, ủ với chế phẩm sinh học khoảng 6 tháng sử dụng bón cho cây ăn quả, cây hoa màu.

 Năm 2018, anh Thành xuất bán ra thị trường hơn 1.500 cặp chim bồ câu thương phẩm và chim bồ câu giống, chủ yếu là các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Thành phố, Mường La... thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh còn giúp nhiều hộ ở các huyện trong tỉnh thiết kế, xây dựng chuồng trại, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim bồ câu thương phẩm. Gia đình chị Trần Thị Ngà, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) được anh Thành cung cấp giống, giúp đỡ kỹ thuật nuôi chim bồ câu thương phẩm, chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi mua 100 cặp chim bồ câu giống của anh Thành. Do ở xa nên trong quá trình nuôi tôi thường trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi chim bồ câu với anh Thành qua điện thoại hoặc mạng internet. Đến nay, gia đình tôi có khoảng 400 đôi chim bố mẹ, năm 2018 bán trên 2.800 cặp, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Nuôi chim bồ câu thương phẩm giúp gia đình tôi tăng thêm thu nhập, có cuộc sống khá giả hơn.

Từ thành công của mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm, anh Thành dự định trong thời gian tới sẽ thành lập Trại chim bồ câu Thanh Lâm, quy mô khoảng 500 - 700 cặp chim bồ câu bố mẹ, thực hiện việc chăn nuôi, chế biến chim bồ câu thịt theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới