Quản lý và sử dụng hiệu quả các công trình hạ tầng nông thôn ở Mường La

Trong giai đoạn 2016-2018, huyện Mường La đã huy động gần 310 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới, trong đó, hơn 65,6 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới, hơn 172 tỷ đồng vốn huy động nhân dân đóng góp và gần 72 tỷ đồng lồng ghép từ các chương trình, dự án khác. Với nguồn vốn này, huyện đầu tư xây dựng 734 tuyến giao thông nội bản, chiều dài trên 162 km; 28 nhà văn hóa, 1 trạm y tế, chợ nông thôn và 25 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cơ bản các công trình sau đầu tư được bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả, phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện.

 

Công trình thủy lợi Co Phả - Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong (Mường La)

được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Hiện nay, các công trình sau đầu tư được bàn giao cho các địa phương quản lý, sử dụng. Các xã đã thành lập các tổ quản lý ở các bản trực tiếp điều tiết, vận hành các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt và quản lý các công trình công cộng là nhà văn hóa bản, các tuyến đường giao thông nội bản. Kinh phí sửa chữa được các bản thống nhất, trích một phần từ quỹ bản để sửa chữa các hư hỏng nhỏ, riêng các công trình nước sinh hoạt được trích một phần từ kinh phí thu dịch vụ cấp nước theo quy định, hương ước các bản. Điển hình như công trình thủy lợi bản Co Phả - Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong, chiều dài kênh mương 1km, được đầu tư xây dựng cuối năm 2017, với tổng mức đầu tư gần 750 triệu đồng, nguồn vốn Chương trình 30a. Sau 7 tháng thi công, hoàn thành, công trình được bàn giao cho bản quản lý và sử dụng. Ông Quàng Văn Triển, Trưởng bản Chiềng Tè cho biết: Công trình thủy lợi hoàn thành đảm bảo dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất trên 7 ha lúa nước của bà con trong bản. Để quản lý và sử dụng công trình hiệu quả, bản đã thống nhất lựa chọn, cử người có uy tín, trách nhiệm theo dõi, quản lý, tuần tra hằng ngày, điều tiết nước sản xuất, khi có các đoạn mương thủy lợi cần sửa chữa, nâng cấp thông báo đến Ban quản lý bản để có phương án sửa chữa kịp thời. Trong đó, trích quỹ bản để mua vật liệu xây dựng và huy động nhân dân đóng góp ngày công để sửa chữa và sử dụng. 

Còn với công trình thủy lợi ở bản Nà Tòng, xã Mường Chùm, sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2018, bản đã thành lập tổ quản lý, bảo trì thường xuyên, tổ này có trách nhiệm điều tiết nước, thực hiện thu, chi phí dịch vụ cấp nước theo quy định của bản, trong đó, trích một phần từ kinh phí để sửa chữa, mua sắm các thiết bị dụng cụ thay thế và đầu tư đường ống nước bị hỏng, còn lại được bổ sung vào quỹ bản phục vụ các hoạt động sinh hoạt chung. Việc sử dụng kinh phí thu từ dịch vụ cấp nước được bản giám sát, thực hiện công khai, minh bạch thu, chi. Trưởng bản Quàng Văn Nam, chia sẻ: Việc quản lý và sử dụng công trình thủy lợi được giao cho tổ quản lý, bảo trì theo dõi trực tiếp, nhưng thực tế là sự tham gia của hơn 100 hộ trong bản. Được hưởng lợi trực tiếp, các hộ đều ý thức trách nhiệm chung trong việc bảo vệ công trình và sử dụng nước tiết kiệm.

Không riêng gì 2 công trình kể trên, hiện nay, trên địa bàn huyện Mường La có nhiều công trình nông thôn được bàn giao cho xã quản lý, sử dụng tương đối hiệu quả. Sau đầu tư, các công trình tuy không được giao kinh phí quản lý, duy trì, vận hành thường xuyên, nhưng các bản đã chủ động phương án quản lý, sử dụng công trình phù hợp với từng vùng. Việc huy động nhân dân tham gia quản lý, sử dụng các công trình sau đầu tư đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, cộng đồng dân cư được hưởng lợi. Qua đó, đảm bảo các nguồn vốn được đầu tư, sử dụng đúng mục đích, khai thác tối ưu, phục vụ cho lợi ích của nhân dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới