Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, gắn với phát triển du lịch vùng lòng hồ tại các công trình thủy điện được huyện Mường La xác định là hướng đi hiệu quả trong khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng lòng hồ, góp phần quảng bá thương hiệu nông sản an toàn Mường La, thúc đẩy ngành nông nghiệp của huyện phát triển bền vững.
Mô hình nuôi cá tầm công nghệ cao của
Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam tại xã Mường Trai (Mường La).
Trong những năm gần đây, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên địa bàn huyện Mường La có nhiều khởi sắc. Ngoài mô hình nuôi cá đặc sản quy mô lớn của Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam, huyện đã thành lập 4 HTX nuôi cá lồng, quy mô từ 40 đến 100 lồng/HTX, tập trung ở các xã: Mường Trai, Chiềng Lao, Pi Toong và Nậm Giôn, với tổng số 641 lồng, các loại cá chủ yếu là rô phi đơn tính, cá nheo, cá lăng, cá trắm cỏ, cá trê... doanh thu khoảng 25 triệu đồng/lồng/năm. Bước đầu tạo sự liên kết giữa các hộ nuôi cá và từng bước hình thành khu vực nuôi cá lồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Hiện nay, Sở Khoa học - Công nghệ đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cá sông Đà cho HTX Thủy sản Nậm Giôn và HTX Bình Minh.
Với gần 1.300 ha mặt nước lòng hồ thủy điện, xã Mường Trai được các chuyên gia nghiên cứu đánh giá có khí hậu và nguồn nước thích hợp để phát triển nuôi cá lồng, đặc biệt là những loại cá đặc sản, như: Cá tầm, cá quất, cá nheo, cá lăng... Phát huy lợi thế này, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh và của huyện, xã Mường Trai đã và đang nhân rộng mô hình nuôi cá lồng. Tính đến ngày 15/6, Mường Trai có 1 HTX nuôi trồng thủy sản, 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng, 70 hộ nuôi cá lồng, với tổng số 260 lồng cá. Hằng năm, cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá thương phẩm các loại. Tính riêng năm 2018, sản lượng cá của Mường Trai trên 90 tấn, doanh thu gần 6,5 tỷ đồng, nâng thu nhập bình quân của xã lên 17 triệu đồng/người/năm.
Là 1 trong 25 thành viên của Tổ hợp tác nuôi cá lồng Mường Trai, ông Lò Văn Phương, bản Bó Ban, xã Mường Trai cho biết: Năm 2012, gia đình tôi nuôi thử nghiệm 2 lồng cá trắm và cá rô phi đơn tính. Thấy hiệu quả kinh tế, năm 2014, tôi vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện 50 triệu đồng đầu tư mở rộng quy mô, đến nay gia đình có 10 lồng cá. Năm 2018, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng từ bán cá giống và cá thương phẩm. Dự tính, tôi sẽ mở rộng quy mô và nuôi thêm cá lăng, loại cá này cho năng suất, giá trị cao hơn nhiều so với giống cá địa phương.
Mô hình nuôi cá lồng của hộ ông Lò Văn Phương, bản Bó Ban, xã Mường Trai (Mường La).
Công ty TNHH Một thành viên Cá tầm Việt Nam, bản Lả Mường (xã Mường Trai) thành công với mô hình nuôi cá tầm theo công nghệ Na Uy, quy trình VietGAP. Năm 2011, Công ty nuôi thử nghiệm 30 lồng cá tầm, đến nay, mở rộng quy mô lên 180 lồng, xuất bán ra thị trường từ 15-20 tấn cá thương phẩm/tháng. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Quản đốc Công ty TNHH Một thành viên cá tầm Việt Nam, cho biết: Sản phẩm cá tầm được xuất bán chủ yếu cho nhà hàng Sam Síp, hệ thống siêu thị VinMark và các tỉnh Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Bình, Lào Cai, Sa Pa... Hiện, cá tầm loại dưới 10 kg có giá 220 nghìn đồng/kg; loại trên 10 kg giá từ 320 - 350 nghìn đồng/kg; loại từ 40 - 50 kg giá từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/kg. Theo kế hoạch, cuối năm nay, Công ty sẽ mở rộng thêm 100 đến 200 lồng; khai thác thêm sản phẩm trứng cá tầm; tiến tới liên kết với các HTX, hộ dân trong khu vực theo hướng Công ty chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống, kỹ thuật, nhằm tạo sản lượng cá tầm lớn cung cấp cho khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường La cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp tham mưu cho UBND huyện huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để tập trung hỗ trợ phát triển mô hình nuôi cá lồng, tạo sản phẩm tham gia chuỗi giá trị. Cùng với đó, huyện thực hiện chính sách mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn, sản xuất sản phẩm cá đông lạnh, cấp đông hoặc các sản phẩm khác từ cá nuôi trên lòng hồ thủy điện ở Mường La và các địa phương khác gắn với phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ thủy điện.
Hiện nay, một số hộ dân ở các xã vùng lòng hồ trên địa bàn huyện Mường La đã nắm bắt cơ hội, đầu tư xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm vùng lòng hồ kết hợp thưởng thức ẩm thực địa phương; trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống, bước đầu thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trải nghiệm. Đây là tín hiệu tích cực để các xã vùng lòng hồ nhân rộng mô hình nuôi cá lồng theo chuỗi gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy thương hiệu cá sông Đà ngày một phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!