Nông thôn mới Ngọc Chiến

Trở lại Ngọc Chiến (Mường La) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi ấn tượng, rõ nét trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của vùng quê này. Những tuyến đường bê tông nối dài, những công trình nhà văn hóa, kênh mương nội đồng... được gấp rút thi công, người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Mô hình trồng hoa của HTX Thành Công, bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến.

Xã có khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho phát triển cây trồng và chăn nuôi. Ngoài ra, tiềm năng du lịch từ mỏ khoáng nóng, hang động hoang sơ, hồ thủy điện... Lực lượng lao động trong độ tuổi của Ngọc Chiến có gần 5.000 người. Đây là thuận lợi để thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ trồng các giống lúa truyền thống sang giống lúa mới cho năng suất cao gấp hai đến ba lần, nhân rộng mô hình trồng cây có quả như sơn tra, thảo quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thói quen và giúp bà con tiếp cận kỹ thuật gieo trồng giống lúa mới, cải tạo vườn rừng trồng loại cây mới, nuôi trâu bò nhốt chuồng xa khu nhà ở... Hiện, toàn xã có trên 100 ha thảo quả, hơn 1.200 ha sơn tra, trong đó 700 ha cho thu hoạch, sản lượng khoảng 2.800 tấn quả/năm. Hằng năm, xã duy trì gieo trồng gần 666 ha lúa một vụ, gần 90 ha trồng rau màu, 6 ha trồng hoa hồng được tư thương đem đi tiêu thụ ở Yên Bái, Lai Châu, Hà Nội. 100% các bản đã thực hiện nuôi nhốt, duy trì trồng trên 200 ha cỏ chăn nuôi gần 5.000 con đại gia súc.

Đến thăm bản Ngam La, là bản đồng bào Mông tập trung trồng cây sơn tra nhiều nhất ở xã Ngọc Chiến với diện tích trên 150 ha. Sản phẩm quả sơn tra tại đây luôn được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã so với các nơi khác trên địa bàn huyện do nhiệt độ thấp hơn. Ông Kháng A Tụng, Trưởng bản Ngam La cho biết: Từ khi địa phương có chính sách đưa cây sơn tra trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế và tìm được đầu ra cho loại cây này, gia đình tôi đã chuyển gần 2 ha trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng sơn tra. Đến nay, gia đình tôi có gần 4 ha cây sơn tra. Vụ thu hoạch năm 2018, gia đình tôi thu gần 10 tấn quả, trị giá gần 200 triệu đồng. Sơn tra ở bản Ngam La được thương lái trả giá cao gấp đôi so với nơi khác, với giá bán dao động khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Ngoài thu lợi từ bán quả sơn tra, bà con các bản còn được chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều bản đã sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư mua cát, sỏi, xi măng bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Năm 2017, bản được chi trả 300 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản đã dùng số tiền đó mua thêm vật liệu, vận động nhân dân góp công sức để bê tông hóa 300 m đường nội bản. Nhận thấy những lợi ích từ cây sơn tra mang lại, những năm gần đây, bản đã tự ươm giống trồng xen vào đồi đất trống, mở rộng sản xuất gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Đảng bộ, chính quyền xã đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Được Nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân đóng góp ngày công, vật tư, tự nguyện hiến đất, cây cối... để làm cho những đoạn đường thẳng hơn, rộng hơn, thuận lợi hơn. Đến hết năm 2018, toàn xã đã thực hiện bê tông trên 34 tuyến đường liên bản, nội bản, chiều dài trên 34 km; đầu tư 2 công trình nhà văn hóa bản Đông Lỏng và nhà văn hóa bản Nà Tâu; 1 nhà lớp học 2 tầng và 6 phòng học tại trường tiểu học Ngọc Chiến, điểm lớp học Nà Tâu; tu sửa công trình nước sinh hoạt cho bản Nậm Nghiệp; tôn tạo lại 2 bể tắm nước nóng cộng đồng tại bản Lướt. Hiện, xã đã đạt 10/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới. Đối với các tiêu chí chưa đạt, xã đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân không chặt phá rừng, các bản duy trì hoạt động dọn vệ sinh, thu gom chất thải, nước thải đổ đúng nơi quy định; việc mai táng người chết được thực hiện theo đúng hương ước, quy ước của bản. Đồng thời, tiếp tục tổ chức rà soát, ký cam kết với các hộ về các nội dung gia đình cần thực hiện về tiêu chí môi trường. Đối với tiêu chí thu nhập, chính quyền địa phương đặt ra mục tiêu đưa các sản phẩm nông nghiệp như nếp tan, thảo quả; quả sơn tra... vươn ra thị trường xa hơn; tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Xã Ngọc Chiến đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2021. Hiện nay, xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, sự chủ động, sáng tạo của người dân; phổ biến và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; những sáng kiến cải tiến thiết thực trong xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới