Trở lại Mường La sau cơn lũ lịch sử hơn 1 tháng, dấu tích của sự tàn phá nặng nề vẫn còn đó. Song, với những kết quả đã làm được, thấy rõ sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đùm bọc, sẻ chia, chung tay góp sức từ Trung ương, các tỉnh bạn, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, thiện nguyện trên mọi miền Tổ quốc, nhân dân vùng lũ Mường La hôm nay đang từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.
Điểm TĐC tránh lũ bản Hốc, xã Nặm Păm đang được xây dựng.
Ở trung tâm “rốn lũ”
Cơn lũ lịch sử đêm mùng 2, rạng sáng ngày 3/8 đã gây lũ ống, lũ quét trên suối Nậm Păm, suối Chiến và Nậm Hồng thuộc địa phận các xã Nậm Păm, Chiềng Muôn, Chiềng San, Chiềng Hoa và thị trấn Ít Ong, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, làm 13 người chết, 2 người mất tích, 15 người bị thương, 252 ngôi nhà bị hư hại, sập đổ, cuốn trôi; hư hỏng nặng 2 cây cầu cứng, trôi 4 xe tải, 3 nhà kho chứa vật liệu xây dựng, đứt vỡ nhiều đoạn tuyến quốc lộ 279D, tỉnh lộ 109; nhiều diện tích ruộng nước, hoa màu bị bồi lấp, cuốn trôi... ước thiệt hại trên 700 tỷ đồng.
Thung lũng Nậm Păm có hai con suối lớn chảy qua là suối Nậm Păm bắt nguồn từ đỉnh Xam Xíp và suối Piệng bắt nguồn từ dãy Đông Vai, tất cả đều cao gần 2.000m so với mực nước biển; hai con suối hợp lưu ở khu vực bản Pá Piệng của xã Nặm Păm trước khi đổ về thị trấn Ít Ong và ra sông Đà. Hai bên bờ suối dốc dựng đứng nhưng bà con vẫn làm nương rẫy trồng ngô, sắn nên tốc độ xói mòn càng cao. Là thung lũng hẹp lại có rất nhiều khe suối nhỏ, nhiều tầng đất đá dễ trượt, tách rời, chỉ cần mưa to là hình thành ngay những cơn lũ ống, lũ quét cục bộ, cuốn phăng tất cả mọi vật cản trên đường, gây hậu quả khôn lường...
Theo ông Lò Văn Cẩn, Chủ tịch UBND xã Nặm Păm, thì do mưa lớn kéo dài, độ thẩm thấu không nhiều, độ dốc các khe đều lớn; bà con lại dựng nhà, làm ruộng, đào ao, làm vườn lấn chiếm lòng suối, làm hẹp dòng chảy, không có kè xây kiên cố, lũ lại xảy ra vào ban đêm nên bị bất ngờ không kịp ứng phó, di chuyển. Để đánh giá khách quan, huyện Mường La đã mời Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đến khảo sát, đánh giá; Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chính thức công bố 3 nguyên nhân chính dẫn đến trận lũ là lũ xảy ra tại khu vực có độ dốc cao, thung lũng hẹp, tạo ra lưu tốc dòng chảy cực kỳ lớn; trên lưu vực suối có tới 13 chi lưu gộp lại cùng một lúc đẩy nước lũ dâng cao tạo thành dòng chảy lớn; lượng mưa rất lớn cùng lúc đổ xuống khu vực này gây trượt lở đất đá, cây cối đổ dồn xuống, gây tắc nghẽn, tạo thành 3 đập dâng tạm ở 3 bậc lưu vực từ trên xuống, khi bị vỡ đập dâng tạm này phá hủy tất cả vật cản khi dòng chảy đi qua, gây nên trận lũ quét lịch sử...
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Ngay sau khi lũ xảy ra, được sự giúp đỡ của Trung ương, các tỉnh bạn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Huyện ủy Mường La đã tập trung lãnh đạo thực hiện phương án “4 tại chỗ”, giữ an toàn cao nhất về người, không cho bà con tự ý vớt dỡ tài sản, di chuyển qua vùng lũ; tập trung tối đa lực lượng đưa tài sản của nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ cứu nạn. Đồng chí Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La cho biết: Ngay trong đêm, Ban Thường vụ huyện ủy đã họp khẩn cấp, báo cáo ngay với Ban Thường vụ tỉnh ủy, trực tiếp xin ý kiến đồng chí Bí thư tỉnh ủy về phương án chỉ đạo khắc phục; huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh và Quân khu 2 đến ứng cứu; xin ý kiến thành lập Sở Chỉ huy tiền phương của tỉnh để tập trung lãnh đạo, điều hành công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; trực tiếp đưa ra các giải pháp, phân công nhiệm vụ cho lực lượng bộ đội, công an, thanh niên tình nguyện... đảm nhận các công việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tháo dỡ, vận chuyển tài sản giúp bà con. Đồng thời, tìm cách nối lại giao thông bằng giải pháp làm cầu tạm bằng thang thép để đưa lực lượng cứu hộ cứu nạn hành quân bằng đường bộ qua cầu Nặm Păm vào vùng lũ còn bị chia cắt.
Để chỉ đạo hiệu quả công tác khắc phục hậu quả, tỉnh đã thành lập Sở Chỉ huy ngay tại hiện trường nơi xảy ra thiên tại. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống địa bàn tập trung chỉ đạo công tác khắc phục và động viên thăm hỏi gia đình bị thiệt hại. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc họp, nhiều chuyến công tác kiểm tra thực địa vùng lũ, quyết sách những vấn đề liên quan đến khắc phục hậu quả của vùng lũ như thống nhất điểm tái định cư, làm nhà lắp ghép, khắc phục cơ sở hạ tầng, định hướng phương thức sản xuất, ổn định đời sống cho bà con... tạo sự thống nhất toàn diện về tư tưởng, chủ trương, định hướng, cách làm để cấp ủy, chính quyền huyện Mường La thực hiện đồng bộ các giải pháp với tinh thần quyết liệt, nhanh nhất, hiệu quả nhất, tạo niềm tin tuyệt đối của bà con vùng lũ vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.
Cùng với đó, huyện Mường La thường xuyên cung cấp số liệu, thông tin chính thống cho các cơ quan thông tin đại chúng địa phương, khu vực và trung ương đóng trên địa bàn, để các phóng viên có mặt tại hiện trường kịp thời đưa hàng trăm tin, bài, ảnh, video clip phản ánh chân thực, khách quan về tình hình thiệt hại tại vùng lũ; chủ trương chỉ đạo của tỉnh; kết quả khắc phục... đến đồng bào cả nước, cùng chung tay góp sức cùng Mường La vượt lên khó khăn hoạn nạn. Đồng thời, chỉ đạo huyện thành lập Ban tiếp nhận hàng cứu trợ vùng lũ và làm tốt việc phân phát hỗ trợ bà con bị thiệt hại.
Ngay khi nối tạm được đôi bờ cầu Nặm Păm, huyện Mường La thống nhất giải pháp mua ngay 30 tấn gạo, mì tôm, nước uống vận chuyển vào các vùng bị chia cắt, để bà con không bị đói, rét. Đồng thời, thống kê thiệt hại, số người chết, mất tích; tổ chức tìm kiếm và cứu chữa cho người bị thương, di chuyển khẩn cấp những ngôi nhà nguy cơ sạt trượt ra khỏi vùng lũ, dựng nhà bạt tạm, tập trung làm đường công vụ để nối giao thông giữa Nặm Păm với thị trấn và Ngọc Chiến; tổ chức họp bàn đưa ra giải pháp đặt ngầm dọ thép qua suối Nậm Păm để các xe tải tăng cường vận chuyển nhu yếu phẩm vào vùng lũ.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, bà con vùng lũ nhận được sự quan tâm, chăm lo toàn diện của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và tình người trong mưa lũ, sự cưu mang đùm bọc, sẻ chia của cả cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, chỉ trong một đêm họp các bản, bà con vùng lũ, nhất là những hộ thiệt hại ít đã tự nguyện hiến gần 40 ha ruộng lúa đang thời kỳ trổ bông để san ủi làm nhà tái định cư; làm đường, trường học, trạm xá... chỉ trong 20 ngày, đã hoàn thành các phương án thi công các điểm tái định cư mới tại những điểm an toàn, dựng 179 nhà lắp ghép, có đủ điện, nước sinh hoạt, giúp bà con ổn định đời sống ngay sau lũ. Đồng thời, thực hiện tốt các phương án sinh kế lâu dài bằng việc trồng 145 ha xoài, bưởi, nhãn, 55 ha sơn tra, kết hợp xây dựng hệ thống tưới ẩm đồng loạt đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con, từng bước phủ xanh đất dốc, phát triển thành vùng cây ăn quả hàng hóa, tiến tới thành lập các HTX sản xuất cây ăn quả chất lượng cao...
Nhịp sống mới sau lũ
Cũng theo Bí thư huyện ủy Mường La, địa phương đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công khôi phục cơ sở hạ tầng, quy hoạch xây kè suối Nậm Păm, đảm bảo thoát lũ, khai hoang ruộng nước; xây dựng các khu điểm tái định cư mới; tổ chức tốt việc quản lý, tiếp nhận hàng cứu trợ, xây dựng chi tiết phương án phân bổ nguồn hỗ trợ từng tháng cho bà con; xử lý môi trường sau lũ, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tập trung chăm sóc số diện tích cây đã trồng, quy hoạch vùng sản xuất; thực hiện đồng bộ giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, an ninh nông thôn, an ninh vùng lũ. Công ty Điện lực Sơn La đã đóng điện cấp điện lưới quốc gia trở lại cho 2.196 hộ dân vùng lũ bị ảnh hưởng do mưa lũ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam tài trợ 40 tỷ đồng xây dựng trường Tiểu học Nặm Păm. Đặc biệt trước đó, chỉ trong 10 ngày đã thi công xong 20 phòng học lắp ghép, phòng ở bán trú, nhà ăn cho học sinh vùng lũ. Riêng Bộ Công an hỗ trợ toàn diện 11 phòng học lắp ghép, 6 phòng ở bán trú, 1 nhà ăn cho học sinh Trường Tiểu học Nặm Păm; Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cùng các tổ chức xã hội ủng hộ bàn ghế, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập, để ngày khai giảng, 1.167 học sinh cả 3 cấp từ bậc mầm non đến THCS diễn ra đúng tiến độ, 100% học sinh được tựu trường trong tâm thế mới, đồng chí Bí thư tỉnh ủy đến dự và đánh trống khai trường.
Những tín hiệu vui từ vùng lũ liên tiếp dồn dập báo về, đó là Trạm Y tế Nặm Păm đi vào hoạt động đã đón 2 công dân đầu tiên sinh ra trên vùng lũ; toàn bộ diện tích cây ăn quả trồng mới đã bắt đầu bám rễ, sinh sôi, nhú những chồi non, lộc biếc; bên ngôi trường mới dựng đã vang lên những lời ca tiếng hát, tiếng cười của học sinh mỗi buổi tan trường; những dãy nhà mới dựng vững trãi trên vùng tái định cư an toàn, bếp đã hồng, khói lam chiều đã tỏa, nhịp sống mới đang về trên vùng lũ Mường La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!