Tính cách hòa đồng, gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ông Lò Văn Phương, bản Pá Bát, xã Nậm Giôn (Mường La) được đồng bào nơi đây luôn tôn trọng, làm theo. Bằng uy tín của mình, ông đã tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn các nét văn hóa đặc sắc, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Lò Văn Phương tuyên truyền về DS-KHHGD tại bản Pá Bát, xã Nậm Giôn.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc La Ha, rót chén trà mời khách, mở lời bằng lối nói chuyện dí dỏm, ông kể về hơn 30 năm công tác tại xã: Năm 1981, vừa tròn đôi mươi, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản Pá Bát. Thành lập năm 1979, bản Pá Bát được tách từ bản Huổi Lẹ, với 5 hộ. Đến nay, Pá Bát có 55 hộ, 250 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc La Ha. Trước đây, do trình độ của người dân hạn chế, tư tưởng lạc hậu “ăn sâu bám rễ” những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trước thực tế đó, ông Phương tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cuộc sống gia đình luôn hòa thuận, con cháu hiếu thảo, trở thành một trong những hộ gia đình văn hóa tiêu biểu tại địa phương. Bên cạnh đó, ông luôn đổi mới phương thức tuyên truyền sinh động, phù hợp với từng nhóm đối tượng như: Tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề về dân số kế hoạch hóa gia đình, loại bỏ dần tư tưởng trọng nam, khinh nữ...; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp bản; đơn giản chỉ là cuộc trò chuyện thân tình về cuộc sống hằng ngày, chia sẻ về cuộc sống, cách làm kinh tế gia đình. Qua đó, kịp thời tuyên truyền làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con trong bản. Nhờ đó, bản thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn minh, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi; làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; tạo điều kiện con cháu đến trường đúng độ tuổi... Trong phát triển kinh tế, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó, tích cực mở rộng diện tích trồng cỏ, đầu tư làm chuồng trại phát triển đàn đại gia súc làm hàng hóa. Đặc biệt, năm 2005, thực hiện di vén vùng lòng hồ, nhường đất để xây dựng thủy điện Sơn La, ông phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt việc di vén; vận động bà con góp đất sản xuất chia cho các hộ mất đất sản xuất. Đến nay, toàn bản có 97 ha trồng ngô, 30 ha sắn, 10 ha trồng cỏ, chuối và 9 ha trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, ông còn là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con làm chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do vậy, bản Pá Bát hiện có số lượng đàn đại gia súc lớn nhất xã với gần 200 con. Ngoài ra, bản không có tệ nạn xã hội; giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, 63,4% số hộ gia đình văn hóa.
Bên cạnh đó, với sự năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi, trau dồi phẩm chất đạo đức và đặc biệt là cách làm dân vận khéo được bà con trong bản quý mến, ông còn được tín nhiệm làm Phó Ban Chỉ huy quân sự xã, Phó trưởng công an xã, từ tháng 9/2005 đến 6/2014, ông là cán bộ công chức Tư pháp - Hộ tịch kiêm Phó Trưởng công an xã Nậm Giôn. Ngoài ra, trong quá trình công tác tại xã, có nhiều năm ông kiêm nhiệm làm trưởng bản, bí thư chi bộ tại bản. Ngoài làm tốt công tác tuyên truyền tại bản, những năm qua, ông Phương và những người có uy tín trong xã đã phối hợp cùng với cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân “xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; giúp đỡ các đối tượng lầm lỗi, vi phạm pháp luật hòa nhập cộng đồng và hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, giáo dục con cháu giữ gìn các nét văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc mình; là người “cầm cân nảy mực” đứng ra hoà giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc hoặc trong bản trên cơ sở quy ước, hương ước của bản; tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vận động bà con hiến đất, đóng góp ngày công lao động để thực hiện bê tông các tuyến đường nội bản.
Không chỉ là tấm gương sáng cho bà con bản Pá Bát noi theo, trong xã, ông còn được nhắc đến là một trong những người có uy tín có nhiều đóng góp cho địa phương, nhiều năm liền, ông được tặng Giấy khen của UBND huyện, Công an tỉnh Sơn La và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Giờ đây, dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn cần mẫn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại bản. Với ông công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” có ý nghĩa làm đẹp đời, nên còn khỏe thì ông vẫn sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!