Sau gần 10 năm thực hiện di vén vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, các hộ dân thuộc xã Mường Trai (Mường La) đã vượt qua những khó khăn, dần ổn định cuộc sống; phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất hiệu quả.
Nông dân xã Mường Trai nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Trong đó, khai thác tiềm năng vùng lòng hồ thủy điện, bà con đã thay đổi tập quán canh tác, đầu tư hệ thống lồng nuôi cá, liên kết các nhóm hộ, thành lập hợp tác xã nuôi cá lồng, từng bước nâng cao thu nhập, giảm số hộ nghèo trên địa bàn xã.
Ông Lò Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Toàn xã có 475 hộ và 2.170 nhân khẩu, 100% số hộ là đồng bào dân tộc Thái và La Ha sinh sống. Thực hiện di vén vùng lòng hồ thủy điện, bà con trong xã đã hiến toàn bộ đất sản xuất, trong đó 1.340 ha ruộng nước 2 vụ. Để hỗ trợ bà con tái định cư tập trung phát triển sản xuất, Nhà nước đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng, chăn nuôi đại gia súc; tổ chức các lớp tham quan học hỏi những mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện, tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ cây, con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Đặc biệt, với tiềm năng diện tích mặt nước rộng, nước trong, từ năm 2012-2014, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, 12 hộ được hỗ trợ làm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, với tổng giá trị gần 200 triệu đồng. Mô hình hỗ trợ bước đầu cho thấy hiệu quả, ngoài nuôi cá giống địa phương trắm, chép, rô phi đơn tính... một số hộ nuôi các loại cá đặc sản: Lăng, chày, quất, nheo. Hiện, trên địa bàn xã có 65 hộ nuôi cá lồng, với tổng số 180 lồng và 1 hợp tác xã đang hoạt động. Ngoài ra, Tập đoàn cá tầm Việt Nam tỉnh Sơn La đầu tư nuôi 50 lồng cá tầm tại địa phương. Hằng tháng, để hỗ trợ về kỹ thuật, cán bộ khuyến nông xã tổ chức tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá và thường xuyên theo dõi, kiểm tra không để dịch bệnh ở cá lây lan. Do đó, mô hình nuôi cá lồng phát huy hiệu quả, đem lại thu nhập cho hàng chục hộ dân.
Đến thăm một trong những hộ mạnh dạn đầu tư vốn làm mô hình nuôi cá lồng đầu tiên trong xã, hiện nay hộ anh Lù Văn Khánh, bản Bó Ban có 6 lồng nuôi cá giống địa phương và nuôi ếch trong lồng lưới. Ngoài bán lẻ trên địa bàn xã, gia đình bán đổ cho các lái buôn địa phương và trên địa bàn tỉnh, giá bán đổ dao động từ 50.000 đồng - 80.000 đồng/kg tùy loại. Anh Lù Văn Khánh cho biết: Năm 2013, từ hiệu quả mô hình nuôi cá lồng thử nghiệm tại địa phương, gia đình tôi đã đầu tư 30 triệu đồng mua lưới, cá giống, làm 2 lồng nuôi cá các loại. Do quen làm nương, trồng lúa nước, khi mới nuôi cá lồng, gia đình chủ yếu nuôi theo phương pháp truyền thống, cá chậm lớn. Qua tham gia các lớp tập huấn, đi tham quan học hỏi các mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn huyện, gia đình chăm sóc đúng kỹ thuật, tận dụng được nguồn thức ăn phong phú, đa dạng tại địa phương nên cá nhanh lớn, ít dịch bệnh. Với sản lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 2 tấn, trừ các khoản chi phí, gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng. Đến nay, ổn định đời sống sau tái định cư, ngoài nuôi cá lồng, gia đình tôi còn kinh doanh hàng tạp hóa nhỏ lẻ để nâng cao thu nhập.
Tìm hiểu được biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu tư, các hộ dân trong xã đã trồng thêm cỏ voi; đầu tư hệ thống lồng cá kiên cố bằng sắt, tăng thời gian sử dụng, giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm chi phí sửa chữa thường xuyên. Hằng năm, với sản lượng trung bình từ 4-5 tạ cá/lồng, sản lượng đạt khoảng 72 tấn, tổng giá trị khoảng 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các hộ nuôi nhỏ, lẻ chủ yếu có quy mô từ 6-12 lồng, được chăm sóc và nuôi theo phương pháp truyền thống nên năng suất cá thấp, giá thành chi phí cao so với mặt bằng chung nên khả năng cạnh tranh hàng hóa có nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, do chủ yếu cung cấp và bán nhỏ lẻ trên địa bàn xã, huyện, bán buôn cho các lái buôn địa phương nên đầu ra cho nông sản này chưa thực sự ổn định.
Có thể thấy nuôi cá lồng đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Mường Trai, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!