Tận dụng diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, những năm qua, nhân dân xã Chiềng Lao (Mường La) đã đầu tư hệ thống lồng bè nuôi cá, liên kết các nhóm hộ, thành lập hợp tác xã nuôi thủy sản, bước đầu mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Chiềng Lao. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nông dân xã Chiềng Lao (Mường La) phát triển nghề nuôi cá lồng.
Ông Cà Văn Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Lao, cho biết: Năm 2011, mô hình nuôi cá lồng đầu tiên được thực hiện gồm 8 lồng của 8 hộ từ nguồn vốn hỗ trợ sự nghiệp kinh tế huyện. Với lợi thế mặt nước ổn định, nước trong, nguồn thức ăn phong phú, đa dạng nên nuôi cá lồng bước đầu đạt hiệu quả. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết 88 của HĐND tỉnh, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, con giống nuôi cá lồng. Hai năm trở lại đây, không chỉ phát triển nuôi cá lồng hộ gia đình, các hộ còn liên kết, thành lập các hợp tác xã nuôi thủy sản nhằm sản xuất tập trung, giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho bà con trên địa bàn xã. Đến nay, số lượng lồng nuôi cá các loại tăng lên 173 lồng, 100% đã đầu tư lồng cá kiên cố và thành lập hợp tác xã nuôi thủy sản... Để hỗ trợ về kỹ thuật, hàng tháng, cán bộ khuyến nông xã tổ chức tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá và thường xuyên theo dõi, kiểm tra không để dịch bệnh lây lan rộng.
Năm 2016, xã Chiềng Lao thành lập HTX Bình Minh trên cơ sở liên kết các nhóm hộ sản xuất tập trung. HTX gồm 7 thành viên là các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã, các thành viên tham gia đóng góp vốn đầu tư một lần. Hiện nay, HTX có 34 lồng cá các loại, với tổng mức đầu tư 3,7 tỷ đồng, trong đó, được hỗ trợ 150 triệu đồng làm lồng cá theo Nghị quyết 88 của HĐND tỉnh. HTX tập trung nuôi các loại cá truyền thống như: trắm cỏ, rô phi đơn tính, diêu hồng... và một số loại cá đặc sản: nheo, lăng vàng, trắm đen. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương, thu nhập trung bình 3.000.000 đồng/người/tháng. Anh Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX Bình Minh cho biết: Hiện nay, HTX đã liên kết, ký hợp đồng cung cấp cá thương phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn huyện, sản lượng trung bình 3 tạ/tháng và được thương lái địa phương và thương lái huyện Than Uyên (Lai Châu) đến thu mua tại lồng, với 70.000 đồng/kg cá nheo; 45.000 đồng/kg rô phi đơn tính; 80.000 đồng/kg cá trắm cỏ. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất bán 2 tấn cá nheo, 7 tấn rô phi đơn tính và 1 tấn cá trắm cỏ, tổng giá trị trên 500 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng. Thời gian tới, HTX sẽ giảm nuôi các loại cá truyền thống, tập trung vào nuôi và cung ứng các sản phẩm cá đặc sản, giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập.
HTX Bình Minh, xã Chiềng Lao (Mường La) nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Được biết, trong quá trình nuôi cá, để giảm chi phí đầu tư, các hộ dân đã tận dụng nguồn thức ăn phong phú tại địa phương, kết hợp trồng cỏ voi phục vụ nuôi thủy sản. Hiện nay, các hộ nuôi cá đã đầu tư hệ thống lồng cá kiên cố bằng sắt, tăng thời gian sử dụng, giảm chi phí đầu tư một lần và tiết kiệm chi phí đầu tư sửa chữa thường xuyên. Năm 2016, tổng sản lượng cá lồng thu đạt 95 tấn, với giá bán trung bình từ 70.000-90.000/kg, tổng giá trị 6,6 tỷ đồng. Hiện nay, cá thương phẩm chủ yếu cung cấp và bán nhỏ lẻ trên địa bàn xã, huyện, cung cấp cho một số nhà hàng kinh doanh ẩm thực, nên đầu ra cho nông sản này chưa ổn định.
Nghề nuôi cá lồng ở Chiềng Lao đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương. Rất mong các ngành chức năng nghiên cứu có những chính sách khuyến khích, xây dựng các chuỗi liên kết thu mua sản phẩm nông sản như thành lập HTX, doanh nghiệp là đầu mối thu mua, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!