Mường La xây dựng và giữ vững thương hiệu cá lòng hồ

Phát huy lợi thế vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và các công trình thủy lợi khác trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Mường La tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng tại các xã ven vùng lòng hồ, bước đầu mang lại hiệu quả, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Mô hình nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La của Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La.  

                                                                                Ảnh: Phan Trang

Toàn huyện Mường La hiện có gần 4.000 ha mặt nước lòng hồ các công trình thủy điện, từ lợi thế này, huyện Mường La đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân các xã ven vùng lòng hồ khai thác thế mạnh mặt nước để chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản gắn với chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Đồng thời, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản phát triển. Hiện, nhân dân các xã trong huyện đang khai thác 139 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản, với gần 800 lồng nuôi cá, trong đó 159 lồng cá tầm và trên 640 lồng các giống cá truyền thống địa phương; 1 doanh nghiệp và 4 HTX hoạt động lĩnh vực thủy sản. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ước 180 tấn, trong đó sản lượng cá tầm xuất bán ra thị trường khoảng 35 tấn.

HTX Bình Minh, Chiềng Lao (Mường La) thành lập từ tháng 5/2016, hiện HTX có 8 thành viên, quy mô 71 lồng cá, với các giống chủ yếu là: Rô phi; trắm cỏ; cá nheo; cá trê; trắm đen; lăng vàng; diêu hồng... Trong sản xuất, HTX tập trung đầu tư kiên cố lồng nuôi và chú trọng khâu vệ sinh môi trường nuôi; xây dựng quy trình chăm sóc cụ thể và yêu cầu các hộ thành viên tuân thủ... Với việc nuôi thả tự nhiên và áp dụng đúng quy trình chăm sóc nên chất lượng thịt cá của HTX luôn thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, HTX đã bán ra thị trường 39,5 tấn cá, trừ chi phí thu lãi khoảng 700 triệu đồng. Anh Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX Bình Minh thông tin: HTX đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cá lòng hồ sông Đà.

Với cách làm bài bản và khoa học, HTX Nông lâm thủy sản Chiềng Lao là 1 trong 2 HTX trên địa bàn huyện được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Sơn La cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ để cá lòng hồ sông Đà đến gần hơn với người tiêu dùng và chinh phục các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đứng chân trên địa bàn xã Mường Trai, Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La đang khai thác 2 ha mặt nước vùng lòng hồ thủy điện để nuôi cá tầm. Sau hơn 6 năm xây dựng mô hình, với việc áp dụng tiêu chuẩn kiểm soát nuôi trồng thủy sản khép kín và xây dựng chiến lược phát triển sản xuất theo hướng công nghiệp, tạo vùng nguyên liệu, từng bước mở rộng quy mô, liên kết sản xuất, sản phẩm cá tầm được nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La không chỉ có mặt ở các tỉnh phía Bắc mà đã có mặt ở các thị trường Hà Nội, Sài Gòn. Tháng 10/2017, sản phẩm cá tầm nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được Trung tâm chuyển giao công nghiệp và dịch vụ thủy sản Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, các sản phẩm cá của Công ty khi xuất ra thị trường đều được dán tem truy xuất nguồn gốc...

Để phát triển nuôi cá lồng sông Đà theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, giúp thành viên các HTX, các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện yên tâm mở rộng quy mô nuôi, từng bước đưa thương hiệu cá lòng hồ sông Đà vươn ra các thị trường trong nước, ngoài nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

  Diệu Thúy (Trung tâm TT-VH Mường La)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới