Mường La, nơi đặt Nhà máy thủy điện Sơn La lớn nhất nước, và nơi đây trong suốt hành trình di dân giải phóng mặt bằng công trình cũng như di chuyển dân giải phóng lòng hồ đã để lại biết bao dấu ấn đậm nét của công cuộc di dân tái định cư lịch sử, như bản hùng ca vang mãi trên dòng Đà Giang.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Mường La cùng các lực lượng giúp
nhân dân TĐC bốc dỡ nhà cửa chuyển đến nơi ở mới.
Kí ức di dân
Những ngày tháng ba, chúng tôi có dịp trở lại Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Mường La. Không khí làm việc khẩn trương ở mỗi bộ phận, tất cả đang dồn lực cho quyết toán tổng kết dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La.
Gợi lại những ký ức của những ngày cao điểm di chuyển dân, anh Phan Đức Chính, Trưởng Ban quản lý dự án di dân TĐC huyện nhắc lại từng dấu mốc quan trọng trong công cuộc di dân: Nhớ nhất đêm giao thừa năm Giáp Thân, trên mặt bằng công trường thủy điện, màn pháo hoa lung linh trên mặt nước sông Đà cuồn cuộn chảy mở màn cho cuộc di chuyển dân. Sau thời điểm đó, là những đợt cao điểm di chuyển dân, chiến dịch 60 ngày đêm di chuyển dân dưới cốt ngập 140 diễn ra từ 5-10-2005 đến 5-12-2005, cả huyện như công trường, xe vận chuyển dân rầm rập suốt ngày.
Ban quản lý dự án di dân TĐC huyện khi mới thành lập năm 2003 chỉ có 12 người, khi yêu cầu công việc di chuyển dân tăng lên có thời điểm Ban có trên 100 cán bộ, nhân viên và thời gian cứ thế cuốn hút mọi người lao vào công việc để thực hiện nhiệm vụ... Lật lại những tấm ảnh tư liệu trong cuốn kỷ yếu công tác di dân Mường La, anh tâm sự: Chỉ tiếc những hình ảnh ghi lại còn ít ỏi so với sự đóng góp lăn lộn của biết bao con người từ các đồng chí lãnh đạo đến ban chỉ đạo công tác di dân tái định cư của huyện, các tổ tuyên truyền, hội đồng hỗ trợ TĐC huyện, tổ giúp việc hội đồng bồi thường, cán bộ tăng cường của tỉnh, các xã trong vùng di dân. Với những ai đã từng tham gia công tác di dân khi xem những bức ảnh đồng bào rời quê cũ, bữa cơm cuối cùng trên nền nhà đã dỡ, đoàn xe tải vượt ngầm, hình ảnh bịn rịn chia tay người đi, người ở... đều có cảm xúc nghẹn ngào không thể nào quên.
Trong câu chuyện về cuộc di dân tái định cư ở Mường La, chúng tôi tìm gặp ông Hà Chung, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường La, Trưởng ban chỉ đạo di dân TĐC huyện thời kỳ 2003-2004, ông nói: Ngày đầu di dân thật khó, phải tuyên truyền để người dân chấp nhận rời quê hương gắn bó hàng ngàn đời. Để giúp dân di dời, hàng trăm cán bộ của tỉnh, của huyện được tăng cường về các xã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con di chuyển. Hàng nghìn nhân công, cùng hàng trăm thanh niên tình nguyện và cả bộ đội, công an cũng được huy động về các bản giúp dân.
Ngày đầu làm công tác di dân, công việc đều mới mẻ, chồng chất khó khăn, từ thực hiện mô hình Tân Lập đến tìm tòi nghiên cứu sang mô hình Nà Nhụng, trí tuệ của tập thể và biết bao con người để chọn cho một hình thức di chuyển bảo đảm tiến độ nhanh nhất và có lợi cho người dân nhiều nhất. Mô hình Nà Nhụng được thực hiện với người dân trực tiếp tham gia công tác quy hoạch, xây dựng phương án sản xuất. Nhà nước lo san lấp mặt bằng nơi tái định cư, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rồi chia lô như nhau, người dân bốc thăm để dựng nhà. Mỗi hộ di chuyển đều được hỗ trợ tiền theo số nhân khẩu; kinh phí vận chuyển từ nơi ở cũ đến nơi ở mới đều được hỗ trợ... Mô hình này được nhân dân đồng tình ủng hộ và triển khai trong toàn tỉnh. Chính vì thế, mặc dù số lượng dân phải di chuyển rất lớn với 5 xã, 55 bản, 3.527 hộ và trên 16.000 nhân khẩu cũng khá thuận lợi. Những dấu ấn về di dân ở Mường La được nhắc lại qua 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1 từ năm 2003 - 2004 là giai đoạn di chuyển dân để giải phóng mặt bằng công trường nhà máy thủy điện Sơn La và Giai đoạn 2 từ năm 2005 - 2010 di chuyển dân để giải phóng vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sơn La.
Ổn định và phát triển vùng TĐC
Sau khi hoàn thành công tác di chuyển dân, việc triển khai công tác ổn định đời sống, sản xuất tại các điểm tái định cư đặt ra khẩn trương hơn. Công tác quy hoạch các điểm tái định cư được triển khai đồng bộ, thận trọng từ bước khảo sát đưa ra phương án cho đến thiết kế, phê duyệt quy hoạch 7 khu, với 43 điểm tái định cư đảm bảo có đủ diện tích đất ở, đất sản xuất, đất sinh hoạt công cộng, phù hợp tập quán sinh sống của nhân dân, từ đó xác định số dân có thể tái định cư nội huyện, số dân phải di chuyển ra ngoài huyện. Cùng với đó, việc chuẩn bị và đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường trường học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, nhà văn hóa cộng đồng, trạm y tế, cung cấp nước hợp vệ sinh phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân... được triển khai thực hiện ngay sau khi phê duyệt quy hoạch và hoàn thành trước khi di chuyển dân tới. Việc xây dựng công trình tại các khu điểm tái định cư được thực hiện tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, theo đúng quy hoạch được duyệt, không chỉ phù hợp với nguyện vọng của nhân dân tái định cư mà còn đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo hoàn thành mục tiêu của dự án. Hầu hết các hộ dân tái định cư chuyển đến nơi ở mới đều có nhà ở đẹp và khang trang hơn nơi ở cũ, môi trường sống được cải thiện, phù hợp với tập quán bản sắc dân tộc. Công tác giao đất ở, giao đất sản xuất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quan tâm chỉ đạo; tổng diện tích giao đất ở là 91,39 ha cho 2.397 hộ, bình quân mỗi hộ 400m2; giao đất sản xuất nông - lâm nghiệp toàn huyện là 9.815 ha cho 2.456 hộ, giao đất sản xuất nông nghiệp là 4.143,91 ha cho 2.523 hộ, để nhân dân yên tâm ổn định đời sống và xây dựng các phương án sản xuất. Hệ thống chính trị tại các bản tái định cư được kiện toàn kịp thời ngay sau khi được chuyển đến; nhân dân sở tại và nhân dân tái định cư sống hòa nhập, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Thành quả đạt được của hành trình hơn 12 năm thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư trên địa bàn huyện Mường La hết sức to lớn, đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng công trình nhà máy thủy điện Sơn La; hoàn thành kế hoạch di chuyển dân ra khỏi vùng hồ vượt tiến độ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản của nhân dân và đặc biệt là các chính sách di dân tái định cư được triển khai một cách đồng bộ, theo hướng nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, góp phần quan trọng để đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để Mường La thoát nghèo nhanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!