Để hỗ trợ bà con vùng lũ Mường La ổn định cuộc sống, cùng với việc thực hiện các phương án bố trí điểm tái định cư, đầu tư các hạng mục công trình dân sinh, nước sinh hoạt, huyện Mường La đang tích cực triển khai hỗ trợ khôi phục sản xuất cho bà con vùng lũ. Tính đến nay, Mường La đã tổ chức bàn giao trên 21.000 cây giống cây ăn quả các loại cho các hộ dân 2 bản của thị trấn Ít Ong và 5 bản của xã Nặm Păm, tổ chức đào hố, thực hiện trồng được 42 ha.
Bà con bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong thực hành kỹ thuật
trồng cây ăn quả trên đất dốc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Trận lũ lịch sử xảy ra đêm mùng 2 rạng sáng 3/8 vừa qua, trên địa bàn huyện Mường La đã gây thiệt hại gần 600 ha diện tích lúa, cây cối và hoa màu; sạt lở, vùi lấp 56 ha ao cá, cuốn trôi 9 lồng cá, 314 con trâu, bò, 700 con dê, hơn 17.200 con gia súc, gia cầm... với tổng thiệt hại trên 60 tỷ đồng. Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn công tác và tổ chức khảo sát thực tế tại 11/11 bản của xã Nặm Păm và 4 bản của thị trấn Ít Ong. Cùng với đó, phối hợp với UBND huyện Mường La xây dựng phương án khôi phục sản xuất sau lũ.
Để giải quyết nhu cầu lương thực trước mắt, tỉnh sẽ trích trên 5 tỷ đồng từ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ giống, phân bón cho các hộ dân, dự tính quy mô thực hiện trên diện tích 108 ha, với cơ cấu cây trồng, gồm: cỏ chăn nuôi, cây dược liệu, các loại cây rau, đậu đỗ, ngô, bí xanh, bí đỏ, khoai... Về lâu dài, từ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng, vốn khắc phục thiên tai và nguồn vốn do các tổ chức cá nhân cứu trợ, hỗ trợ giống, phân bón, hệ thống tưới ẩm trồng 99 ha cây ăn quả, như: bưởi da xanh, nhãn ghép, xoài ghép và sơn tra để tăng hiệu quả kinh tế, góp phần tăng độ che phủ đất, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, rửa trôi đất. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, trích nguồn từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ để hỗ trợ bò giống và dê sinh sản cho các hộ có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Sau gần 1 tuần nhận bàn giao cây giống, phân bón, với sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông huyện, bản Bâu, xã Nặm Păm đã thực hiện trồng được 8 ha bưởi da xanh. Ông Cà Văn Loan, Trưởng bản Bâu, cho biết: Thông qua tổ chức họp bản lấy ý kiến công khai, minh bạch, được sự đồng tình, nhất trí cao của bà con trong bản, bản Bâu đã đăng ký tham gia chuyển đổi 25 ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Trong đó, bản đã huy động bà con đóng góp trên 500 ngày công lao động đào hố, tổ chức trồng cây. Đối với diện tích góp đất trồng bưởi da xanh của toàn bản, được bà con thống nhất chia đều theo số nhân khẩu và giao trực tiếp cho các hộ quản lý, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống cao. Anh Quàng Văn Xuân, bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong, chia sẻ: Được tỉnh, huyện hỗ trợ cây giống, phân bón và được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi đã thực hiện chuyển đổi 4.000 m2 đất trồng ngô sang trồng 200 cây bưởi da xanh. Hy vọng, giống cây trồng mới này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, giúp gia đình nâng cao thu nhập.
Được biết, theo kế hoạch khôi phục sản xuất trước mắt năm 2017, hiện nay huyện Mường La còn hỗ trợ vôi, phân bón phục vụ công tác tổ chức trồng cây; triển khai hỗ trợ xây dựng các công trình hệ thống tưới ẩm do Nhà nước hỗ trợ bể, đường ống chính, nhân dân đầu tư đường ống tưới ẩm tại bản Bâu, bản Hốc, Huổi Liếng, Hua Nậm và bản Piệng (Nặm Păm), bản Chiềng Tè, Nà Trang (thị trấn Ít Ong). Ngoài ra, hỗ trợ trồng cây hàng năm trên diện tích 44 ha ngô nếp, 45 ha cỏ voi và 15 ha xả. Với đặc điểm địa hình dốc cao, việc lựa chọn đưa cây ăn quả thay thế những diện tích cây trồng hàng năm, góp phần tăng độ che phủ đất, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị canh tác.
Để hỗ trợ việc khôi phục sản xuất, góp phần ổn định đời sống các hộ vùng thiệt hại do mưa lũ, thời gian tới, huyện Mường La sẽ tiếp tục chỉ đạo đơn vị nhà thầu cung cấp cây giống đảm bảo về số lượng, chất lượng phục vụ kế hoạch tổ chức trồng cây đúng thời vụ, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống cao. Cùng với đó, huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn triển khai đến các bản, các hộ nằm trong đối tượng được hỗ trợ khôi phục sản xuất; lập danh sách cụ thể đến từng hộ, ký cam kết thực hiện đúng theo hướng dẫn. Đồng thời, rà soát hiện trạng quỹ đất, trên cơ sở đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển đổi những diện tích trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng các giống cây trồng mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!