Từ năm 2014 đến nay, huyện Mường La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Mường La hỗ trợ bò giống theo Chương trình 30a cho các hộ nghèo.
Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo, bảo đảm về số lượng và chất lượng; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước của cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng cao, bảo đảm hoạt động bộ máy chính quyền các cấp phát huy hiệu lực, hiệu quả. Quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Toàn huyện hiện có 1.561 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm gần 70% tổng số cán bộ, CCVC của huyện và 4.751 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 76,4% số đảng viên của huyện.
Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đời sống, sản xuất được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Giai đoạn 2014-2018, toàn huyện đã đầu tư 4.689 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần quan trọng làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; hiện nay, 100% số xã trên địa bàn huyện có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa, 90% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, 88% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có trường học kiên cố, các bản xa trung tâm xã đều có điểm trường; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, 100% số xã có trạm y tế, các bản có nhân viên y tế hoạt động. Các phong trào thi đua: Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; cam kết thực hiện “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông... thường xuyên được phát động, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, thu hút được sự đồng tỉnh ủng hộ và tham gia của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã tập trung chỉ đạo khai thác hiệu quả các nguồn lực về đất đai, lao động, trên cơ sở phát huy nội lực của cộng đồng, từng bước tạo chuyển biến tích cực về sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đã có hàng trăm ha diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, gắn với xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc; chính sách hỗ trợ gạo để tham gia trồng, bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng hạn chế tình trạng phá rừng làm nương. Bên cạnh đó, để giúp bà con có điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hơn 5 qua đã có gần 16.400 lượt hộ được vay vốn, với tổng dư nợ gần 390 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, một số vùng đã triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm được cung ứng rộng rãi trên thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Trong đó, nổi bật là sản phẩm sơn tra Ngọc Chiến, cá lòng hồ sông Đà, các sản phẩm quả của xã Mường Bú... Đến nay, hàng nghìn nông dân đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; nhiều người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ trở thành những gương điển hình trong việc xây dựng khối đoàn kết, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Có thể khẳng định, hơn 5 năm qua huyện Mường La đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn 50%, năm 2018 giảm xuống còn 35,6%. Hiện nay, huyện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, phấn đấu giai đoạn 2019-2024, trung bình mỗi năm giảm từ 5-6% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!