Năm qua, trên địa bàn huyện Mường La diễn biến thiên tai phức tạp, bất thường, khó dự báo; xảy ra 9 đợt gió lốc, mưa to gây lũ, nhất là trận lũ lịch sử đầu tháng 8 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, nhà cửa, cây cối hoa màu, các công trình của Nhà nước và dân dân.
Đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa tuyến đường tỉnh 109 tại xã Nặm Păm trước cao điểm mùa mưa lũ.
Ngay sau khi các đợt thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy PCLB-GNTT các cấp đã kịp thời chỉ đạo, huy động lực lượng tham gia ứng cứu, nhanh chóng di chuyển người và tài sản của các gia đình trong vùng bị thiệt hại đến nơi an toàn; khẩn trương mang hàng cứu trợ đến các điểm bị chia cắt không để một ai bị đói, khát; các nhà bạt nhanh chóng được dựng lên và có các đồ dùng thiết yếu không để bà con chịu cảnh “màn trời chiếu đất”; tập trung các nguồn lực khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Địa hình của huyện Mường La phức tạp bị chia cắt bởi núi có độ cao trung bình từ 500 - 700 m và có nhiều sông, suối độ dốc lớn, như: sông Đà, suối Nặm Păm, suối Mu, suối Mường Trai... Do vậy, huyện Mường La chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai, như: Lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất... Qua kết quả rà soát của cơ quan chuyên môn, mùa mưa năm nay, tất cả các xã, thị trấn của huyện Mường La đều có những khu vực xung yếu, trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các dạng thiên tai, như: Ngay thị trấn Ít Ong có các điểm xung yếu lũ quét tại bản Ten, Nà Lo, Co Lìu, dọc suối Nặm Păm; điểm sạt lở tại bản Nà Lo, Hua Nà, Co Lìu. Ở xã Nặm Păm có khu vực xung yếu lũ quét dọc suối Nặm Păm, bản Huổi Sói; sạt lở tại bản Piệng, bản Ít. Ở các xã vùng sâu, vùng xa như: Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Hoa có các tuyến đường giao thông xung yếu, lũ quét cục bộ tại một số khe lạch... Mặt khác, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, mức độ thiệt hại thiên tai cũng nặng hơn. Do vậy, không thể chủ quan trong mùa mưa lũ.
Rút kinh nghiệm năm trước, để chủ động công tác phòng, chống bão lũ năm nay, huyện đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trước, trong và sau mùa mưa lũ. Từ tháng 1 đến tháng 5, tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN; rà soát bổ sung các phương án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai sát với thực tế địa phương; xác định những công trình, những tuyến xung yếu; rà soát, di chuyển dân ra khỏi các điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm; chuẩn bị các điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật, vật tư. Bước vào thời kỳ cao điểm từ tháng 6, tổ chức trực ban 24/24 giờ; theo dõi diễn biến thời tiết, cảnh báo và xử lý các tình huống xảy ra; cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, dự báo, cảnh báo các hồ, đập công trình thủy lợi, những tuyến giao thông xung yếu, hoạt động dân sinh kinh tế ở các khu dân cư trọng điểm để kịp thời đối phó với các tình huống xảy ra. Sau mùa mưa lũ, tập trung khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân và sửa chữa các công trình bị hư hỏng.
Công tác tuyên truyền nhân dân về công tác phòng, chống bão lũ được đặc biệt quan tâm, tạo sự chuyển biến nhận thức các các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư chủ động phòng, tránh, ứng phó với thiên tai; nâng cao cảnh giác, tránh tư tưởng lơ là. Mỗi người dân phải tự ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; không được trú nghỉ tại các lều lán ven suối, khe lạch, đánh bắt thủy sản, vớt củi trong mưa lũ, vượt qua suối khi có lũ; tự giác cùng chính quyền, đoàn thể ở địa phương phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tương thân, tương ái, giúp nhau ổn định đời sống và sản xuất.
Để công tác PCLB hiệu quả, huyện huy động sức mạnh của toàn xã hội theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; xây dựng lực lượng xung kích gồm quân sự, công an, y tế, hội chữ thập đỏ, doanh nghiệp, dân quân, thanh niên từ huyện đến cơ sở để chủ động khi thiên tai xảy ra. Huyện đã chỉ đạo kiểm tra các công trình thủy lợi, giao thông bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ra, chỉ đạo hướng dẫn nhân dân các biện pháp khắc phục sửa chữa. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện huy động hơn 8.800 ngày công nạo nét gần 150 km kênh mương, đào, đắp hơn 1.000 m3 đất, đá, sửa chữa 22 phai tạm và hàng nghìn ngày công sữa chữa các điểm sạt, sụt trên các tuyến đường. Bên cạnh đó, đầu tư 2 tỷ 250 triệu đồng nâng cấp, sửa chữa 6 công trình thủy lợi, tuyến kênh thoát lũ và cung cấp nước tưới đồng ruộng.
Thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, những thiệt hại do thiên tai gây ra không thể tránh khỏi. Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, huyện Mường La đã và đang triển khai các biện pháp chủ động đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, nhằm đảm bảo an toàn người và tài sản, ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!