Mường La tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học

Mường La là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất của tỉnh, hiện còn khoảng 63.000 ha rừng, độ che phủ đạt trên 44%. Rừng trên địa bàn huyện có hệ sinh học đa dạng, phong phú, với nhiều loài động, thực vật, trong đó có một số ngành thực vật bậc cao và một số loài động vật quý hiếm. Công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học đã và đang được Ban Quản lý Khu bảo tồn, Hạt Kiểm lâm và chính quyền các xã, bản tích cực triển khai.

Lực lượng kiểm lâm Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La kiểm tra rừng trên thực địa.

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn nguồn gen động, thực vật quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học, tháng 3/2016, tỉnh ta đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nằm trên địa bàn các xã Nặm Păm, Ngọc Chiến và Hua Trai, với tổng diện tích quy hoạch hơn 15.800 ha; trong đó, diện tích có rừng hơn 13.100 ha, còn lại là đất lâm nghiệp. Toàn bộ diện tích trong Khu bảo tồn thuộc quy định bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại, khai thác lâm sản và săn bắn. Trong Khu bảo tồn hiện còn một số động, thực vật quý hiếm, như các loài gù hương, pơ mu, thông đỏ, sâm, giảo cổ lam...; đặc biệt trong Khu bảo tồn có loài vượn đen tuyền, gà lôi là những động vật nằm trong sách đỏ đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý có 20 cán bộ, chia thành 3 tổ đóng trên địa bàn 3 xã. Khi mới thành lập, trụ sở Ban Quản lý Khu bảo tồn nằm tại thị trấn Ít Ong, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cũng như tuần tra, bảo vệ rừng, hiện nay, Ban đã chuyển lên vùng lõi của Khu bảo tồn trên đỉnh Sam Síp, địa điểm giáp ranh giữa xã Nặm Păm và Ngọc Chiến. Đồng thời, thành lập 14 đội quản lý, bảo vệ và PCCCR tại 14 bản; lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp các đội với tổ chức tuần tra, phát hiện, xử lý những vi phạm và điều tra đa dạng sinh học, nghiên cứu, bổ sung các loài động, thực vật hoang dã để bảo tồn nguồn gen.

Cùng với thực hiện tốt công tác điều tra, giám sát đa dạng sinh học, công tác bảo vệ, phát triển rừng cũng được triển khai thực hiện hiệu quả. Ban Quản lý Khu bảo tồn đã tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền các xã, bản thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ, PCCCR, quản lý lâm sản. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển lâm nghiệp, thông qua việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, khoán khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng, hỗ trợ các bản vùng đệm theo chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã tổ chức 30 hội nghị tuyên truyền tại các xã, bản, với gần 1.000 lượt người tham gia, nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến tầm quan trọng của đa dạng sinh học, các quy định của Luật Lâm nghiệp và danh mục quản lý thực vật, động vật nguy cấp, quý hiếm và quy định về nghiêm cấm săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất nương rẫy; quán triệt, ký cam kết bảo vệ rừng, thực hiện quy định an toàn về PCCCR với 869 hộ tại 14 bản. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, những tác động tiêu cực đến rừng đã giảm đáng kể, tạo sinh kế lâu dài, ổn định cho nhân dân. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã triển khai trồng 150 ha rừng, gồm pơ mu và sơn tra tại xã Nặm Păm và Hua Trai theo Dự án tăng trưởng xanh; chăm sóc, bảo vệ 90 ha rừng trồng thay thế dự án thủy điện Nậm Chiến.

Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã tích cực tham mưu cho huyện chỉ đạo hoàn thành việc rà soát, chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và chỉnh lý, bổ sung hồ sơ giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn và triển khai các chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng. Theo ông Đỗ Văn Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ trên 700 tấn gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng tại các xã: Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Hoa, Ngọc Chiến, Nặm Păm và phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng hướng dẫn các bản sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng bảo đảm đúng quy định, hiệu quả.

Với những giải pháp cụ thể, hiện nay công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, quản lý đầu tư và hướng dẫn triển khai các dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện được chỉ đạo và triển khai thực hiện theo hướng bền vững, từng bước bảo đảm cho người dân có thu nhập ổn định từ nghề rừng. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới