Mường La phát triển cây ăn quả theo hướng hiệu quả, bền vững

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi các loại cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và cải tạo vườn tạp bằng phương pháp ghép mắt.

 

Vườn ươm giống cây sơn tra của HTX Thành Công, xã Ngọc Chiến (Mường La).

 

Năm qua, huyện Mường La đã làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, hướng dẫn nông dân quy trình chuyển đổi, kỹ thuật trồng, đốn cành, ghép cải tạo một số loại cây ăn quả, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc theo  hướng hiệu quả, bền vững.

Đến hết năm 2017, huyện Mường La có 2.473 ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích lớn nhất là cây xoài, với 1.541 ha (1.072 ha đã cho thu hoạch), tập trung ở các xã Tạ Bú, Chiềng San, Pi Toong, Chiềng Hoa, Hua Trai và Nậm Giôn, sản lượng năm 2017 đạt hơn 8.000 tấn; 488 ha nhãn (375 ha cho thu hoạch), tập trung ở Tạ Bú, Chiềng San, Pi Toong, Chiềng Hoa, sản lượng đạt gần 3.000 tấn; 162 ha cây ăn quả có múi, tập trung ở Nặm Păm, Pi Toong và một số loại cây ăn quả khác. Ngoài ra, toàn huyện hiện có  1.748 ha cây sơn tra, năng suất bình quân 5 tấn/ha, sản lượng năm 2017 đạt trên 4.000 tấn. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện vẫn còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu vẫn là vườn tạp, diện tích được ghép mắt cải tạo vẫn còn ít, nhân dân chưa chủ động đầu tư cải tạo vườn tạp, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng diện tích cây ăn quả manh mún, nhỏ lẻ, cùng với chính sách hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả theo Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh, huyện Mường La đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào kỹ thuật trồng, thâm canh, ghép mắt để tạo ra các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và triển khai các mô hình trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, huyện đã đẩy mạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân và vận động thành lập HTX, phát triển nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, hỗ trợ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng trong trồng cây ăn quả. Năm 2017, huyện đã thành lập mới 4 HTX sản xuất cây ăn quả tại xã Mường Bú, Nặm Păm và thị trấn Ít Ong; từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 28, huyện đã xây dựng mô hình trồng xoài Đài Loan và bưởi da xanh quy mô 15 ha tại xã Pi Toong với 15 hộ tham gia; hỗ trợ HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú trồng 35 ha bưởi da xanh, 10 ha nhãn và 10 ha xoài ghép từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường La cho biết: Để kịp thời giúp đỡ nhân dân xã Nặm Păm khôi phục sản xuất sau thiệt hại do mưa lũ, huyện đã hỗ trợ bà con trồng 57 ha xoài ghép, 18 ha nhãn, 27 ha bưởi da xanh. Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và tổ chức kiểm tra để chuẩn bị nghiệm thu, kịp thời thay thế những cây không bảo đảm chất lượng.

Để bảo đảm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả theo quy mô lớn, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hiện nay, huyện Mường La đang tập trung chỉ đạo rà soát toàn bộ diện tích cây ăn quả, vườn tạp trên địa bàn, trong đó tập trung vào diện tích xoài, nhãn già cỗi để ghép mắt cải tạo. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; thực hiện tốt việc hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào kỹ thuật trồng, chăm sóc cho nông dân, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ xây dựng và mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và các vườn ươm giống cây ăn quả bảo đảm chất lượng. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển HTX, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Quy hoạch và mở rộng diện tích cây sơn tra tại các xã Chiềng Công, Chiềng Ân, Ngọc Chiến, Chiềng Muôn, phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây sơn tra toàn huyện đạt 5.187 ha, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới