Phát triển cây sơn tra góp phần phủ xanh đồi trọc, tăng độ che phủ rừng, vừa mang lại giá trị kinh tế, được xem là loại cây giảm nghèo cho nhiều hộ đồng bào vùng cao. Nhận thấy tiềm năng từ cây sơn tra mang lại, huyện Mường La đã vận dụng nhiều chính sách hỗ trợ và vận động người dân trên địa bàn các xã vùng cao mở rộng diện tích cây sơn tra.
Người dân bản Ngam La, xã Ngọc Chiến thu hái quả sơn tra.
Những ngày tháng 9, đến huyện Mường La, có thể bắt gặp cảnh mua bán quả sơn tra ở khá nhiều nơi. Từ ngã ba ngay đầu huyện rồi trung tâm các xã có trồng nhiều sơn tra, như: Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn... cảnh mua, bán nhộn nhịp. Từ các bản trên núi cao, những bao sơn tra được đồng bào chở bằng xe máy, hay được thương lái đưa ô tô lên tận bản mua, mang đi tiêu thụ ở các nơi. Cây sơn tra đã có từ lâu, mọc quanh nhà, trên sườn đồi, ở các nương ngô. Vài năm trở lại đây, quả sơn tra đã trở thành đặc sản, có thể sử dụng để làm thuốc, ngâm rượu, hay chế biến thành thức uống thanh mát. Bên cạnh lợi ích về kinh tế và sức khỏe cho con người, cây sơn tra còn đóng vai trò bảo vệ môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước, chống xói mòn ở các vùng đất đồi, đồng thời mang lại thu nhập, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.
Huyện Mường La hiện có gần 1.800 ha cây sơn tra, trong đó, diện tích cho quả 1.200 ha. Năm 2017, tổng sản lượng đạt trên 4.000 tấn quả, với giá bán giao động từ 10.000-12.000 đồng/kg. Năm nay, bắt đầu thu hái quả, dự báo được mùa hơn năm trước, tổng sản lượng ước trên 5.000 tấn quả. Để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, huyện Mường La đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây sơn tra tập trung trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế chính sách phát triển cây sơn tra gắn với việc lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân thực hiện có hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Rà soát, tuyển chọn các cây giống tốt để áp dụng công nghệ ghép mắt, trồng mới cây sơn tra. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp bảo quản kéo dài thời gian lưu quả để tạo vùng nguyên liệu sơn tra tập trung, cho sản phẩm chất lượng phục vụ chế biến.
Tại xã Ngọc Chiến, địa phương có diện tích cây sơn tra lớn nhất huyện với trên 1.100 ha, trong đó, khoảng 700 ha đã cho thu hoạch. Năm 2017, xã chủ động xây dựng kế hoạch, tuyên truyền và vận động người dân trồng mới trên 100 ha cây sơn tra. Những năm qua, sản phẩm quả sơn tra tại đây luôn được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã so với các nơi khác trên địa bàn huyện do khí hậu lạnh quanh năm. Ông Kháng A Tụng, Trưởng bản Ngam La cho biết: Từ khi địa phương có chính sách đưa cây sơn tra trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế và tìm được đầu ra cho loại cây này, gia đình tôi đã chuyển gần 2 ha trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng sơn tra. Đến nay, gia đình tôi có gần 4 ha cây sơn tra, năm nay, sản lượng đạt khoảng 10 tấn quả, trị giá gần 200 triệu đồng. Sơn tra ở bản Ngam La và bản Nậm Nghiệp được thương lái trả giá cao gấp đôi so với nơi khác, với giá bán dao động khoảng 20.000-30.000 đồng/kg.
Ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến thông tin: Nhận thức rõ lợi ích và hiệu quả kinh tế của cây sơn tra, thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây sơn tra của huyện, xã đã khảo sát diện tích, lựa chọn địa điểm, khu vực trồng sơn tra tập trung và tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích cây sơn tra. Năm 2018, xã trồng mới và bổ sung trong diện tích rừng phòng hộ khoảng 100 ha cây sơn tra, nâng diện tích lên trên 1.200 ha.
Phát triển vùng cây sơn tra tập trung là hướng đi đúng của huyện Mường La trong công cuộc giảm nghèo, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy trình kỹ thuật trồng, cải tạo, chăm sóc, bảo vệ diện tích sơn tra; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm quả sơn tra, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng dây chuyền bảo quản, chế biến sơn tra ngay tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!