Nhằm định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện Mường La đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giống, phân bón, khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, từng bước hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thành viên HTX Thành Công, bản Đông Xuông, xã Ngọc Chiến (Mường La) chăm sóc vườn rau
Cùng với thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2015 đến nay, huyện Mường La đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thành lập các HTX, khuyến khích hình thành liên kết nhóm hộ sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, gắn với bảo vệ môi trường, hướng dẫn mở rộng diện tích thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm. Hiện nay, theo quy hoạch, đối với vùng cao đất có độ dốc lớn, các xã vận động nhân dân chuyển từ trồng cây lương thực sang trồng sơn tra và cây lâm nghiệp lấy gỗ. Ở những vùng thấp, hướng dẫn bà con cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, thâm canh lúa nước. Hơn hai năm qua, từ ngân sách địa phương, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về canh tác bền vững cho nông dân. Đến nay, đã hỗ trợ trồng mới 253 ha cây ăn quả chất lượng cao; hỗ trợ giống ngô, lúa nếp đặc sản và hỗ trợ lồng nuôi cá, giống cá cho nhân dân các xã: Pi Toong, Mường Trai, Chiềng Lao, Ngọc Chiến để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, huyện đã phối hợp với Trường Đại học Tây Bắc và Trung tâm Khuyến nông tỉnh phục tráng thành công giống lúa nếp tan Ngọc Chiến để phát triển sản phẩm lúa đặc sản của huyện.
Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện có 13.109 ha ngô, 909 lúa nương ha, 2.750 ha cây ăn quả, so với năm 2013, diện tích trồng ngô giảm gần 400 ha, lúa nương giảm 2.429 ha, riêng diện tích cây ăn quả tăng hơn 360 ha, chủ yếu cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, như táo đại, cam Vinh, bưởi da xanh, nhãn chín muộn... sản lượng quả năm 2017 ước đạt trên 10.600 tấn. Trên địa bàn huyện đã thành lập được 36 HTX nông nghiệp, trong đó có 5 HTX trồng rau, củ, quả an toàn chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trong đó phải kể đến HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú, thành lập tháng 11/2014, HTX đã liên kết các hộ trồng và tiêu thụ sản phẩm, HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 30 đến 40 lao động địa phương, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Đình Hướng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX thông tin: HTX chuyên sản xuất các loại cây ăn quả chất lượng cao, như táo, nhãn, xoài, bưởi và rau, củ, thịt gia súc, gia cầm; các loại sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại các cửa hàng rau, củ, quả an toàn trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, các xã vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đã khai thác hiệu quả mặt nước phát triển nuôi cá lồng. Toàn huyện đã có 546 lồng nuôi, chủ yếu là các loại cá giống truyền thống: trắm, rô phi lai đơn tính, chép và một số giống cá đặc sản: cá lăng, nheo, trắm đen sản lượng mỗi năm gần 300 tấn. Chúng tôi đến thăm khu nuôi cá lồng của HTX Bình Minh ở xã Chiềng Lao. Ông Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX, cho biết: HTX được thành lập với 7 thành viên là các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã, hiện nay HTX có 34 lồng, với tổng mức đầu tư 3,7 tỷ đồng, trong đó được hỗ trợ 150 triệu đồng làm lồng cá theo Nghị quyết 88 của HĐND tỉnh. HTX chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, rô phi đơn tính, diêu hồng và một số loại cá đặc sản, như nheo, lăng vàng, trắm đen, bước đầu có thu nhập và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Có thể nhận thấy, hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bảo đảm phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đã và đang tạo bước chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức, trình độ canh tác của người nông dân ở Mường La. Qua đó, không những góp phần khai thác tiềm năng về đất đai, lao động mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, tạo sự chuyển biến về mặt xã hội trong cộng đồng dân cư, sắp sếp lại lao động nông nghiệp, từng bước hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa có chất lượng cao cung cấp cho thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!