Mường Chùm thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới

Xác định tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng nhằm thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí khác, vì vậy, ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Mường Chùm (Mường La) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Nông dân bản Noong 2, xã Mường Chùm thu hoạch tỏi trồng xen canh.

 

Hiện, xã duy trì 85,3 ha lúa xuân, 115 ha lúa mùa, 1.976 ha ngô, trên 200 ha sắn, gần 300 ha cây ăn quả các loại, 48 ha mía và 50 ha thiên ngân. Chú trọng  phát triển chăn nuôi đại gia súc, bà con đã trồng 40 ha cỏ voi, chăn nuôi gần 2.800 con trâu, bò. Việc chuyển đổi cây trồng, tăng cường luân canh, xen canh và chú trọng xây dựng có mô hình liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập hộ gia đình. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 21 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,8%.

Ông Quàng Văn Liến, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Trên cơ sở nhu cầu thực tế và tình hình phát triển KT-XH tại địa phương, xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tế. Trong đó, tích cực tuyên truyền, vận động bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm công lao động, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tích cực phối hợp với các doanh nghiệp khảo sát chất lượng đất, mặt bằng, tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây mía, thiên ngân. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ mới triển khai mô hình ghép cải tạo vườn tạp, trồng cỏ chăn nuôi, luân canh tăng vụ như: trồng xen rau, đậu, tỏi vụ đông.

Trong thời gian qua, xã còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cây giống, con giống từ các chương trình 135, 30a và hỗ trợ theo các chính sách tỉnh. Năm 2017, các hộ nghèo trên địa bàn xã được hỗ trợ 94 con bò giống từ chương trình 30a và nguồn vốn chương trình sự nghiệp nông, lâm nghiệp; hỗ trợ giống cỏ voi, vận động bà con trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng và hỗ trợ 1.700 giống cây ăn quả theo Nghị quyết 28 của HĐND tỉnh. Qua đó, hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, khuyến khích bà con đầu tư sản xuất để chuyển đổi cây trồng. Đồng thời, tuyên truyền vận động một số các hộ đã dồn điền, đổi thửa, hình thành các khu trồng mía tập trung, có quy mô. Trong đó, tại bản Kham, 19 hộ đã chuyển 3 ha đất trồng ngô sang trồng mía. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Ông Lường Văn Thời, Trưởng bản Kham cho biết: Năng suất mía trung bình đạt 100-110 tấn/ha, công ty cam kết thu mua với giá tối thiểu 850.000 đồng/tấn, trừ chi phí, trung bình mỗi ha cho thu nhập trên 50 triệu đồng, gấp 10 lần so với trồng ngô. Trồng mía chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhưng được Công ty cung ứng cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được trừ dần qua các năm, nên khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hộ dân tham gia sản xuất, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2018, các hộ trong bản đã đăng ký chuyển đổi thêm 7 ha đất trồng ngô sang trồng mía, nhằm nâng cao thu nhập hộ gia đình.

Bên cạnh đó, thông qua vay tín chấp Ngân hàng CSXH huyện và vốn vay Ngân hàng NN&PTNT huyện, tạo điều kiện cho các hộ hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Đến thăm hộ Quàng Văn Ích, bản Nà Tòng, một trong những hộ tiêu biểu trong thực hiện mô hình chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng. Năm 2015, trồng ngô giá trị kinh tế thấp, gia đình ông đã vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 100 triệu đồng và nguồn vốn tự có mua 7 bò sinh sản, 7 con bê, làm chuồng trại và chuyển đổi 7.000 m2 đất sản xuất sang trồng cỏ voi. Trung bình mỗi năm gia đình bán 5-6 con bò. Ông Ích chia sẻ: Đến nay, gia đình đã trả gốc và lãi cho Ngân hàng. Cùng với chăn nuôi đại gia súc, hằng năm gia đình xuất bán trên 100 con lợn, chăm sóc hơn 1 ha cây ăn quả, mỗi năm trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng.

Từ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chủ động của nhân dân đã góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn. Với mục tiêu phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm, thời gian tới, Mường Chùm tiếp tục tận dụng lợi thế đất đai, chuyển đổi cách thức, mạnh dạn đầu tư trong sản xuất. Tiếp tục vận động người dân thay đổi tập quán, nâng cao năng suất, chất lượng, sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng các ngành, nghề. Chú trọng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thu nhập ổn định, bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới