Mùa vàng sơn tra trên bản Nậm Nghiệp

Tháng 10 và tháng 11 là thời điểm quả sơn tra trên bản vùng cao Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến (Mường La) chín rộ.

 

Người dân bản Nậm Nghiệp thu hoạch sơn tra.

 

Từ trung tâm xã đi khoảng 13 km, chạy xe chừng gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đến bản Nậm Nghiệp, cảm nhận đầu tiên không khí vui tươi, nhộn nhịp của người dân bản địa trong dịp thu hoạch sơn tra. Sắc vàng của sơn tra hoà vào màu vàng của nắng cuối thu với mùi hương sơn tra nồng nàn, khiến chúng tôi quên đi những đoạn đường ghập ghềnh đá sỏi, những đoạn đường đất trơn như đổ mỡ khi đến nơi đây.

Bản Nậm Nghiệp có 63 hộ với 401 nhân khẩu, 100% là đồng bảo dân tộc Mông. Là bản xa nhất và có diện tích cây sơn tra lớn nhất xã, những năm gần đây, cây sơn tra trở thành nguồn thu nhập chính và cũng là cây trồng xóa đói, giảm nghèo của bà con nơi đây. Điều đặc biệt để quả sơn tra có giá trị kinh tế cao, bà con nơi đây bảo nhau không thu hoạch sớm, mà chờ khi trái sơn tra chín thơm thì mới bắt đầu thu hái. Ông Kháng A Của, Trưởng bản Nậm Nghiệp thông tin: Bản trồng ngô, lúa và có tới 500 ha sơn tra tự nhiên và trồng mới. Trung bình mỗi hộ có 6 ha sơn tra. Hằng năm, vận động bà con trồng mới sơn tra trên khu vực đất đồi trống. Bản trồng sơn tra nhiều vì cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, phát triển tốt, không những có rừng xanh mà còn được thu hoạch quả, tăng thu nhập.

Tìm hiểu được biết: Trước đây, cây sơn tra mọc tự nhiên, người dân hái quả về để ngâm rượu, làm thuốc, cho trâu bò ăn. Thấy sơn tra rụng nhiều, trong bản không sử dụng hết nên người dân vận chuyển bằng ngựa hoặc sức người gánh xuống bán ở Ngã Ba Kim, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hoặc xuống chợ huyện Mường La. Người dân đi từ 2 giờ sáng để kịp phiên chợ, rồi đi bộ về nhà lúc khoảng 21 giờ nhưng chỉ bán với giá khoảng 15.000 đồng/10 kg, đủ tiền mua mắm, muối... Khoảng 7-8 năm trở lại đây, sơn tra của bản có người đến tận nơi để mua, được giá hơn so với trước đây. Bà Nguyễn Thị Thành, thương lái từ thị trấn, huyện đến thu mua sơn tra, cho biết: Tôi làm nghề buôn bán sơn tra từ năm 1993. Mấy năm gần đây, đến thu mua của bà con mang xuống huyện cho các thương lái khác chở về xuôi. Từ đầu vụ đến giờ, tôi mua được 60 - 70 tấn. Ngày mưa, xe ô tô của gia đình tôi không lên được do đường trơn, lầy lội, nhưng bù lại ngày nắng xe chạy 2 chuyến/ngày.

Theo chân anh Kháng A Sử đi thăm rừng sơn tra hàng chục tuổi của gia đình. Men theo con đường đất ngoằn nghèo lên đồi, qua vài khe suối nhỏ, mùi hương từ sơn tra chín thơm lựng. Từ xa chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói, tiếng cười của bà con đang thu hái sơn tra, người vịn những cành sai trĩu quả, nhanh tay bỏ vào túi treo ở cành gần đó; người đang đổ vào bao, buộc chặt đợi người chở về. Nếm thử trái sơn tra chín vàng, vỏ lốm đốm, hơi ửng hồng, tôi cảm nhận được vị ngọt, thơm, hơi chát. Anh Sử bảo: Sơn tra thường ra hoa từ tháng 3, đến tháng 10, tháng 11 cho thu hoạch. Gia đình tôi có 3 ha sơn tra đã và đang cho thu hoạch, những vườn sơn tra trồng mới phải 5 năm mới cho ra trái. Những cây càng lâu năm thì cho trái càng ngon. Cây sơn tra thường ưa ẩm, không mất nhiều công chăm sóc. Thường cho từ 50 kg - 2 tạ quả/cây. Đặc biệt là nếu năm nay, những cây không sai quả thì năm sau sẽ sai quả. Với quả loại ngon, gia đình tôi bán với giá 22.000 đồng/kg, trung bình khoảng 15.000 - 18.000 đồng/kg. Mỗi năm, gia đình thu được 60 - 80 triệu đồng từ bán sơn tra. So với trước đây, sơn tra có người đến mua tận nhà, giá cao hơn nhiều. Từ khi bán được sơn tra, con cháu trong gia đình có quần áo đẹp mặc, mua được xe máy, đồ dùng sinh hoạt, cuộc sống bớt khó khăn.

Kết thúc 1 ngày cùng bà con bản Nậm Nghiệp thu hoạch sơn tra, chúng tôi trở lại khu trung tâm của bản, người gùi, người chất lên xe ô tô từng bao sơn tra vận chuyển xuống huyện. Những tia nắng cuối ngày vẫn rắc vàng những cánh rừng sơn tra như nhuộm sắc vàng của no ấm cho mảnh đất vùng cao này. Cuộc sống của bà con đang khởi sắc.

Thu Thảo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới