Đã bao năm nay, hình ảnh nhân viên y tế bản luôn rất gần gũi với người dân Hua Trai, xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Mường La. Bởi họ chẳng quản ngại nắng mưa, đêm ngày, luôn làm tròn trách nhiệm y tế cơ sở, vừa là người bạn đồng hành trân quý bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu, vừa góp phần nâng cao nhận thức cho bà con.
Nhân viên y tế bản Nà Sản, xã Hua Trai (Mường La) hướng dẫn người dân cách tự bảo vệ sức khỏe.
Về Hua Trai đúng đợt nắng nóng cao điểm, chúng tôi đồng hành cùng ông Lò Văn Lon, nhân viên y tế bản Nà Sản đến các hộ gia đình trong bản để thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe, kết hợp tuyên truyền, vận động bà con thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh. Như thường lệ, ông Lon cẩn thận sắp xếp lại các vật dụng trong túi thuốc y tế được trang bị, không quên mang theo tập tờ rơi tuyên truyền mới nhận từ Trạm Y tế xã để phát cho bà con. Dưới cái nắng, cái nóng của vùng lòng hồ, lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt đỏ bừng, ông Lon ra hiệu cho chúng tôi đã tới điểm dừng chân đầu tiên. Nghe tiếng gọi, cùng bóng dáng quen thuộc của y tế bản, cả gia đình chị Lò Thị Sương phấn khởi đón ông vào nhà. Một vài hộ dân ở gần cũng nhanh chóng ghé qua. Gần chục người già, trẻ, lớn, bé ngồi trong gian nhà nhỏ quây quần bên nhân viên y tế bản.
Uống vội ngụm nước rồi ông Lon bắt đầu công việc của mình. Ông nói, từ đầu tháng đến giờ, trong bản đã có nhiều người bị tiêu chảy, nguyên nhân là do nắng nóng, thức ăn không được bảo quản dễ ôi thiu, ruồi nhặng nhiều dễ phát sinh bệnh. Vì vậy, bà con cần cẩn trọng trong việc chọn lựa, chế biến, bảo quản thực phẩm trong ngày hè nắng nóng, nhớ phải “ăn chín, uống sôi”. Nghe ông nói, mọi người rôm rả thảo luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Cách ăn uống ra sao để phòng bệnh, liều lượng dùng thuốc điều trị tiêu chảy, làm thế nào để bảo đảm sức khỏe mùa nắng nóng... Ông Lon giải đáp cặn kẽ từng vấn đề và không quên nhắc nhở bà con khi có triệu chứng bệnh phải báo ngay để ông hướng dẫn chữa trị. Quan sát buổi nói chuyện, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, cách hướng dẫn dễ nghe, dễ hiểu của nhân viên y tế bản trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho người dân ở vùng khó khăn.
Hơn 20 năm đảm nhiệm công việc y tế thôn bản, cũng là từng ấy thời gian ông Lon gắn bó, đồng hành với bà con trong hành trình thay đổi, nâng cao nhận thức về công tác y tế. Ông Lon kể: Ngày trước, bà con bận rộn công việc nương rẫy, lo cái ăn, cái mặc, ít có cơ hội đọc báo, xem truyền hình, tiếp cận với những chương trình giáo dục sức khỏe, nên kiến thức, ý thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe còn nhiều hạn chế. Đã từng có nhiều người bị bệnh, không đến cơ sở y tế khám và điều trị mà mời thầy mo về cúng “đuổi bệnh”. Nhà có con trâu, con bò đem bán để lấy tiền cúng “con ma ốm” nên nghèo lại càng thêm nghèo mà bệnh cũng không chữa được. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tật chủ yếu là do bà con vẫn giữ tập tục lạc hậu trong sinh hoạt. Nhiều người đi làm nương, khát nước là lấy nước mương, nước suối uống trực tiếp, vào rừng thấy nấm dại cũng hái về ăn... Để thay đổi suy nghĩ của người dân, bên cạnh việc cùng cán bộ xã, bản tuyên truyền tại các buổi họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, ông Lon đã tranh thủ mọi cơ hội để trò chuyện, để hướng dẫn cách sinh hoạt, ăn, uống đảm bảo vệ sinh, phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe; tác dụng của việc dùng thuốc tây y chữa bệnh; vận động bà con đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế khi cần thiết; cách dùng các loại cây thuốc nam trong vườn của gia đình để chữa các bệnh thông thường, như: mắc bệnh cúm thì dùng lá xả, lá bưởi, hương nhu, tía tô, gừng... đun sôi rồi xông; tiêu chảy dùng búp lá ổi... Hay việc tuyên truyền không nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, làm nhà vệ sinh, đi ngủ phải mắc màn để tránh bệnh sốt rét... Bây giờ bà con đã ý thức hơn trong việc phòng bệnh, khi mắc bệnh đã đến cơ sở y tế để được khám, uống thuốc, điều trị bệnh, bệnh nặng phải đưa lên bệnh viện tuyến trên để chữa...
Đã từng có khoảng thời gian ông Lon vô cùng vất vả khi vận động bà con đưa trẻ nhỏ đi tiêm chủng phòng bệnh. Trước đây, do chưa nhận thức được lợi ích của việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ, nên có rất ít trẻ trong bản được đi tiêm. Một phần nữa là do các trẻ sau khi tiêm có các biểu hiện: Sưng chỗ tiêm, sốt, khóc, nhiều phụ huynh bất an, lo lắng. Cũng có trường hợp, ban ngày đi làm nương mệt, đêm về không được ngủ vì con quấy khóc sau tiêm, nên không muốn cho trẻ tiêm phòng nữa. Khi đó, ông Lon đã kiên trì đến từng nhà có trẻ nhỏ để giải thích về các triệu chứng sau tiêm, đồng thời động viên người dân vì sức khỏe của con trẻ mà cho trẻ đi tiêm đủ các loại vắc xin phòng bệnh. “Mưa dầm thấm lâu”, ông Lon lặn lội, vừa làm vừa thuyết phục đã từng bước làm thay đổi nhận thức của bà con về công tác y tế. Giờ đây, cứ trước ngày hẹn, người dân trong bản lại bảo nhau đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
Rời bản Nà Sản, chúng tôi men theo sườn núi đá quanh co đến bản Nặm Hồng, một trong những bản xa trung tâm xã Hua Trai nhất. Tính từ điểm xuất phát, chúng tôi đi gần hai giờ đồng hồ trên quãng đường dài chưa đầy 8 km mới tới được Nặm Hồng. Trò chuyện với anh Thào A Vạ, bản Nặm Hồng, anh tâm sự: Gia đình nào trong bản có người mắc những bệnh thông thường như cảm cúm, đau đầu, bệnh ngoài da, tiêu chảy... được y tế bản phát thuốc và theo dõi tại bản. Hoặc khi có người bị tai nạn xe, ngã gãy tay, gãy chân... y tế bản cũng kịp thời có mặt để sơ cứu, cho thuốc giảm đau, sau đó trực tiếp đưa tới trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện để điều trị. Cả bản ai cũng quý mến nhân viên y tế bản - ông Vàng A Pú và trìu mến gọi ông là “y tế của bản”. Căn nhà nhỏ của gia đình ông Pú đã trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con trong bản mỗi khi có người đau, ốm. Người già, trẻ nhỏ không tiện đi lại, ông đến tận nơi xem bệnh, phát thuốc không kể nắng, mưa, đêm, ngày; tư vấn cho họ đến trạm y tế xã hoặc cơ sở y tế tuyến trên để khám và điều trị bệnh. Được "mắt thấy, tai nghe", tôi hiểu thêm về vai trò của nhân viên y tế bản nơi vùng sâu, vùng xa. Cũng vì sống gần dân nên họ nắm được diễn biến tình hình sức khỏe của bà con, nguyên nhân ban đầu dẫn đến dịch bệnh, để hướng dẫn, chỉ cho dân cách phòng tránh, chữa trị. Sự có mặt của “Y tế bản” cũng dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu; thầy mo, thầy cúng đuổi “ma bệnh” ở những bản vùng xa xôi này cũng dần ít đi.
Trở lại trụ sở Trạm Y tế xã Hua Trai, nói về vai trò của y tế bản, ông Lường Văn Em, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Cả xã hiện có 22 nhân viên y tế bản, đây là đội ngũ đắc lực nhất trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác y tế cho người dân ở cơ sở, nên Trạm Y tế xã thường xuyên tổ chức tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân viên y tế bản. Chính “Y tế bản” là những cánh tay nối dài của hệ thống y tế cơ sở, góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu y tế quốc gia của xã. Sự hoạt động tích cực, hiệu quả của họ đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trong xã; trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh; trẻ từ 2 đến 5 tuổi được uống thuốc tẩy giun định kỳ; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 17%...
Điều đáng nói là, dù công việc vất vả, chế độ phụ cấp hạn chế, nhưng đội ngũ nhân viên y tế bản của xã Hua Trai vẫn luôn nêu cao trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, họ luôn tận tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức về công tác y tế. Đây là cách để họ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở những bản vùng đặc biệt khó khăn này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!