Ký ức của người lính giải phóng năm xưa

Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi được gặp gỡ và trò chuyện với những người lính năm xưa để ghi lại những kỷ niệm của những năm tháng chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng anh dũng để giành độc lập cho dân tộc.

Cựu chiến binh Cao Xuân Tới (người phía trong, bên phải)
cùng đồng đội kể chuyện chiến đấu trên chiến trường năm xưa.
Các cựu chiến binh huyện Mường La, nhiều người là những chiến sỹ của đoàn quân giải phóng năm xưa, nay đã da mồi, tóc sương nhưng mỗi lần gặp nhau, ký ức về những trận đánh, những ngày tháng oanh liệt, hào hùng của dân tộc lại ùa về. Một trong những câu chuyện ấn tượng đó là của cựu chiến binh Cao Xuân Tới tại tiểu khu 2, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, năm nay, ông bước sang tuổi 78, đang là Chủ tịch Ban đại diện Hội Người cao tuổi của huyện. Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng với ông, không khí quyết tâm giành chiến thắng, giải phóng miền Nam như còn vẹn nguyên. Năm 1969, chàng thanh niên Cao Xuân Tới, khi đó đang học năm thứ 3 của Trường Trung cấp cơ khí nông nghiệp, theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã gác lại đèn sách, lên đường tòng quân đánh giặc. Sau 3 tháng huấn luyện, ông hành quân dọc dãy Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Tháng 5/1970, ông được biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu V, đóng quân tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông được giao nhiệm vụ là pháo thủ số 1 trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Nguyên đánh trận Ngọc Tang, Ngọc Hồi thuộc Đắc Tô - Tân Cảnh (nay thuộc tỉnh Kon Tum). Sau chiến dịch, ông được cử đi học y tá do Sư đoàn mở và đào tạo. Đến tháng 6 năm 1971, ông trở về đơn vị cũ làm y tá, tham gia chiến đấu tại các địa bàn như huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Thường Đức, Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

 

Nhắc đến quãng thời gian này, đôi mắt ông Cao Xuân Tới sáng lên đầy tự hào... Ông bảo, kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng có lẽ, kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên: Đó là thời gian tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Vào rạng sáng 10/3/1975, đơn vị tôi được lệnh hành quân chiếm lĩnh trận địa, các khẩu đội được lệnh vào vị trí đào hầm pháo chuẩn bị chờ lệnh. Đúng 9 giờ sáng, Trung đoàn pháo binh 368 kéo 12 khẩu pháo yểm hộ cho Trung đoàn 31 tấn công thẳng vào hai cứ điểm 211(Liệt Kiểm) và quận lỵ Tiên Phước cũng là hiệu lệnh trận đánh bắt đầu. Sau khoảng 1 giờ, quân ta đã chiếm lĩnh toàn bộ các cao điểm quanh quận lỵ Tiên Phước. Sau đó, pháo chuyển hướng đánh chặn phản công của địch theo kế hoạch. Đại đội cối chúng tôi bắn chặn từ huyện lỵ Tiên Phước đến Đèo Le (đèo giáp danh giữa quận Tiên Phước và quận Quế Sơn), pháo của Trung đoàn 368 bắn vào quận lỵ Quế Sơn và trận địa pháo Núi Quế - Tam Kỳ. Sau hai cuộc phản kích, 13 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, quận lỵ Tiên Phước được giải phóng hoàn toàn. Đến 16 giờ cùng ngày, quận Quế Sơn tiếp tục được giải phóng... Ngày 24/3, Trung đoàn chúng tôi được lệnh đánh chiếm thị xã Tam Kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn, thị xã Tam Kỳ đã được giải phóng hoàn toàn. Sau đó tiến đánh thành phố Đà Nẵng. Lúc này, Trung đoàn chia làm 3 cánh quân, 1 theo hướng Đông Nam cùng với bộ đội địa phương đánh xuống Hội An, đánh căn cứ hải quân, đánh chiếm sân bay Nước Mặn; một cánh quân tiến thẳng theo quốc lộ I đánh tan chốt điểm tại cầu Công Lý tiến thẳng vào thành phố Đà Nẵng; một cánh quân vòng theo hướng Tây Bắc phối hợp với cánh quân từ Huế vào đánh địch ở Đồng Lâm, Phú Hương, truy kích về thị trấn Ái Nghĩa, đánh chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, đánh xuống Hòa Châu, sân bay Đà Nẵng. Sau 6 ngày, quân ta giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng và các vùng lân cận.

Ngừng giây lát, ông Cao Xuân Tới kể: Năm 1971, trong một lần tham gia học tập chỉnh huấn toàn quân, tôi tâm đắc và nhớ nhất câu hỏi: “Đồng chí đi làm cách mạng được gì và mất gì”? 7 năm trong quân ngũ, nhiều lần cận kề với cái chết, ông đã tìm ra và chứng minh cho câu trả lời, đó là: Đi làm cách mạng mất đi xiềng gông và nô lệ, còn được, được cả giang sơn gấm vóc, được làm người dân tự do trong nền hòa bình độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. 
Được biết, trong tổng số hơn 3.000 cựu chiến binh của huyện Mường La thì có tới 1/3  trong số họ đã từng sống và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Trở lại đời thường, những người lính ấy, giờ đã lên chức cụ, chức ông, nhưng họ vẫn luôn phát huy bản chất Anh Bộ đội Cụ Hồ, nhiệm vụ nào được giao cũng hoàn thành xuất sắc. Trong suốt câu chuyện về những năm tháng chiến trận của mình, các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam luôn trân trọng, nâng niu từng tấm Huân, Huy chương, cuốn nhật ký. Vào những ngày tháng 4, tháng của những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc, cùng những cựu chiến binh ôn lại ký ức hào hùng năm xưa, như một lần nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới