Rừng phòng hộ đầu nguồn Mường La hiện đang lưu giữ một phần vùng rừng á nhiệt đới cuối cùng ở Việt Nam, có loài vượn đen tuyền nằm trong sách đỏ thế giới... Đây là khu vực có cảnh quan độc đáo, tài sản toàn cầu có giá trị đa dạng sinh học cao. Do vậy, việc tỉnh ta đã quy hoạch nơi đây thành “Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La” mang tính cấp thiết và là chủ trương đúng đắn...
Kiểm lâm huyện và tổ bảo vệ rừng Ngọc Chiến kiểm tra rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La.
Trước khi thành lập Khu bảo tồn thiên thiên Mường La, tỉnh ta có 4 khu bảo tồn thuộc địa bàn các huyện: Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Thuận Châu, Sông Mã và Sốp Cộp. Tuy nhiên, nếu so sánh thì vùng rừng phòng hộ Mường La thuộc 3 xã Ngọc Chiến, Nặm Păm và Hua Trai được các nhà chuyên môn đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Đặc biệt, nơi đây còn có khoảng 80 cá thể Vượn đen tuyền, loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc; là nơi cư trú của các quần thể Voọc xám, Niệc cổ hung, Gà lôi hồng tía, Beo lửa cùng các loài thực vật quý hiếm không nơi nào có. Bởi vậy, rừng nơi đây đang nắm giữ một tài sản toàn cầu, thu hút sự chú ý không chỉ cấp quốc gia.
Trao đổi với ông Đào Văn Tưởng, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La, được biết: Ngày 30/06/2015 UBND tỉnh có Quyết định số 1425/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La và ngày 07/03/2016 UBND tỉnh có Quyết định số 511/QĐ-UBND thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La; Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La được thành lập là một trong những cố gắng, nỗ lực của tỉnh, sự hợp tác giúp đỡ của các ban, ngành liên quan và các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế cũng như sự đồng tình ủng hộ, tâm huyết của người dân. Trước đây, một số khu vực của rừng phòng hộ Mường La đã bị suy thoái bởi nạn khai thác và phá rừng trái phép. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn những thung lũng hiểm trở, khó vào vẫn lưu giữ được tính nguyên sinh. Rừng nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho các hồ chứa ở Mường La, các nhà máy thủy điện và việc canh tác nông nghiệp khu vực xung quanh. Nhiều người dân sống quanh khu vực đã có tác động ảnh hưởng tới hệ sinh cảnh của rừng, đe dọa sự sinh tồn của các loài động, thực vật quý hiếm, nhất là loài Vượn đen tuyền. Mặc dù trước đó, lực lượng kiểm lâm đã và đang cùng nhóm giám sát cộng đồng tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác lâm sản trái phép, nhưng nỗ lực đó còn nhiều hạn chế, chưa đủ để đảm bảo an toàn cho các loài động, thực vật và tính đa dạng sinh học trong vùng...
Đã từng được tham gia chuyến xuyên rừng với thời gian 5 ngày, tôi đã được chứng kiến và cảm nhận giá trị của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La. Ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sinh tại một số cánh rừng với những loài thực vật cổ thụ quý hiếm chỉ nơi đây mới có, còn tận mắt thấy loài Vượn đen tuyền và nghe tiếng hót cuốn hút của loài linh trưởng này. Tuy nhiên, bên cạnh việc chứa đựng trong mình sự đa dạng sinh học, thì rừng nơi đây đang đứng trước nguy cơ bị xâm lấn bởi tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng trồng thảo quả, thu nhặt củi, phát triển thủy điện hay thu hái lâm sản phụ. Trong đó, tình trạng khai thác gỗ pơ mu trước đó hay thu hái lâm sản phụ cùng việc xây dựng nhiều thủy điện vừa và nhỏ nơi đây đã có những tác động không nhỏ tới cảnh quan, sinh cảnh các loài hoang dã... Trong khi việc khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế. Do vậy, tỉnh có chủ trương thành lập Khu bảo tồn, ngoài việc đón nhận được sự ủng hộ không chỉ ở cấp quốc gia mà cả quốc tế, đây còn chính là giải pháp hữu hiệu bảo vệ rừng cùng các loại động, thực vật quý hiếm, tránh được nguy cơ suy thoái của rừng đầu nguồn Mường La.
Chủ trương thành lập “Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La” ngoài việc bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm, thì hành động này còn góp phần giúp các cơ sở đưa ra được kế hoạch phù hợp trong việc tái định cư, sử dụng rừng hay vấn đề sinh kế của người dân sống quanh khu vực này. Đồng thời, giúp tỉnh ta đưa ra được các giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn những tác động ảnh hưởng tới rừng, gìn giữ được những giá trị nguyên sinh của vùng rừng nơi đây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!