Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thị trấn Ít Ong (Mường La) khi trời mưa mấy ngày liên tục, ùa về cảm giác bàng hoàng trước những thiệt hại nặng nề ở nơi này trong trận mưa lũ lịch sử đầu tháng 8/2017. Bởi vậy, cán bộ và bà con nơi đây luôn đề cao cảnh giác trước những diễn biến bất thường của thời tiết, nhằm phòng tránh hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị trấn Ít Ong (Mường La) kiểm tra kè chắn lũ.
Đúng 1 năm sau trận lũ kinh hoàng, dọc suối Nặm Păm vẫn còn tàn tích thiên tai. Song, ngay bên dòng suối Nặm Păm, nhiều thửa ruộng đã được khôi phục, lúa mùa đang xanh mơn mởn. Hầu hết các thửa ruộng được xếp đá xung quanh tạo bức tường thành để chắn nước khỏi làm đổ lúa. Dĩ nhiên đây chỉ là biện pháp đối phó với lũ nhỏ, hy vọng là lũ sẽ không về. Bà con cũng đã rất nỗ lực, cố gắng phòng tránh và khắc phục hậu quả thiên tai trong điều kiện khả năng của mình. Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, chia sẻ: Năm trước, thị trấn bị thiệt hại 40 ha đất sản xuất do đất đá vùi lấp, cuốn trôi. Đến nay, đã khôi phục được 20 ha, hiện đang trồng lúa mùa. Còn anh Lò Văn Phòng, cán bộ địa chính, trực Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị trấn chỉ vào khoảng đất trống ven suối lổn nhổn đá, tiếp chuyện: Những chỗ này trước đây là ruộng. Bà con ở đây chịu khó lắm. Tuy nhiều đá, nhưng rồi sẽ cải tạo lại để trồng lúa, không để hoang phí đất đâu.
Mặc trời mưa rả rích, chúng tôi đến bản Hua Nà - một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất thị trấn trong trận mưa lũ năm trước, với 13 nhà dân bị cuốn trôi hoàn toàn, 14 hộ phải di dời khẩn cấp, 5 ha ruộng và nhiều vật nuôi bị cuốn trôi. Trên đường đi kiểm tra kè bằng rọ đá dọc suối Nặm Păm và rà soát các nhà ở Hua Nà có nguy cơ sạt lở, anh Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, thông tin: Trước mùa mưa, chúng tôi đã rà soát và hỗ trợ di chuyển 7 hộ hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Các hộ được hỗ trợ về đất ở, nền nhà. Tuy người đã di chuyển nhưng một số nhà dân có nguy cơ sạt lở chưa được tháo dỡ. Chúng tôi vẫn phải kiểm tra để đảm bảo không có ai quay lại ở và không để xảy ra điều đáng tiếc.
Anh Lò Văn Thiết, Trưởng bản Hua Nà tâm sự: Trận lũ lịch sử đầu tháng 8 năm 2017, đỉnh lũ bắt đầu từ 9 giờ tối hôm trước đến tận 8 giờ sáng hôm sau, bản đã huy động lực lượng tham gia hỗ trợ các hộ dân bị ngập và nguy cơ cuốn trôi, đến nơi an toàn. Ai cũng mệt lử, khản cả cổ họng. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, năm nay, bản đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, xây dựng phương án ứng phó, lên dây cót tinh thần cho bà con đề cao cảnh giác ứng phó với thiên tai. Trên địa bàn bản có khoảng 300 m bờ kè bằng rọ đá do Nhà nước đầu tư dọc suối Nặm Păm được bảo vệ tốt, bà con không đào ao gần bờ kè để tránh sạt lở, không tháo sắt thép ở bờ kè để vụ lợi cá nhân.
Nhìn dòng Nặm Păm cuồn cuộn nước, chị Lò Thị Bông, bản Hua Nà cho hay: Đỉnh lũ năm trước, nhà tôi bị ngập lênh láng sàn nhà, được bà con trong bản kịp thời hỗ trợ di chuyển. Mùa mưa năm nay, tôi đã dự phòng lương thực, đề cao cảnh giác và luôn theo dõi thông tin cảnh báo của các cấp để kịp thời phòng tránh.
Tuy nằm ở trung tâm của huyện, nhưng khu vực thị trấn Ít Ong ví như vùng tâm lũ, địa hình chủ yếu là núi cao và núi trung bình, xen kẽ là các thung lũng, phiêng bãi nhỏ hẹp. Thị trấn có 16 bản và 5 tiểu khu, thì đa số các bản nằm dọc suối Nặm Păm với lưu lượng nước lớn, chảy xiết và các khe suối: Huổi Bẩu, suối Cạn, suối Tìn... Đây là các dòng suối thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá hằng năm trên địa bàn. Các điểm xung yếu, gồm các bản Ten, bản Nà Lo, bản Co Lìu và các bản dọc suối Nặm Păm thường xảy ra lũ quét, có nguy cơ sạt lở; điểm nguy cơ ngập lụt là tiểu khu 5. Giao thông đoạn từ tiểu khu 5 đến khu Bệnh viện Đa khoa huyện, Tòa án nhân dân huyện hay xảy ra trôi đất, bùn ngập lầy.
Bước vào mùa mưa lũ năm nay, Ít Ong đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT - TKCN từ thị trấn đến tất cả các bản, tiểu khu; triển khai kế hoạch PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm chủ động, ứng phó kịp thời với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Củng cố lực lượng thường trực; chuẩn bị chu đáo các phương tiện, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Nâng cao nhận thức cộng đồng trong chủ động phòng, tránh thiên tai. UBND thị trấn và các bản đã vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ kênh, mương làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước; cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao để cảnh báo. Thời điểm này, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thị trấn và các bản, tiểu khu tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!