Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Mường La phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng nhốt chồng.
Công trình khí sinh học được hỗ trợ theo dự án tại bản Ít Bon, thị trấn Ít Ong (Mường La).
Điều đó đồng nghĩa với lượng chất thải chăn nuôi khá lớn, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) đã hỗ trợ kinh phí cho người dân xây dựng các công trình khí sinh học (CTKSH), xử lý chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường.
Trong triển khai thực hiện, Trạm Khuyến nông huyện đã chọn lao động cử đi đào tạo tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây, lắp các CTKSH, tập huấn về quản lý chất thải chăn nuôi an toàn, vận hành và sử dụng CTKSH. Đồng thời, lồng ghép trong các hội nghị của xã, cuộc họp bản, tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, lợi ích khi tham gia dự án. Qua đó, Trạm rà soát, ưu tiên những hộ có chuồng trại gần khu dân cư để bước đầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.
Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp thuộc Ban Quản lý LCASP Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ; Dự án được thực hiện trên địa bàn huyện từ năm 2014 đến nay, đã hỗ trợ kinh phí xây dựng 98 CTKSH, trong đó 35 bể biogas xây dựng bằng gạch và 63 bể biogas Composite cho các hộ gia đình, với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/công trình. Riêng năm 2017, đã hỗ trợ 14 công trình, với mức 5 triệu đồng/công trình. Các công trình do thợ xây đã được đào tạo đảm nhiệm thi công nên đảm bảo kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh môi trường. Anh Đèo Văn Hòa, cán bộ Trạm Khuyến nông Mường La cho biết: Tùy thuộc vào lượng chất thải chăn nuôi của từng hộ và địa hình, tôi tư vấn cho bà con xây bể bằng gạch hay chỉ lắp đặt bể Composit. Vì bể Composit chi phí đầu tư khoảng 7 - 12 triệu đồng/bể, thấp hơn so với bể xây, nhưng chỉ áp dụng được với các hộ có quy mô chăn nuôi nhỏ, thể tích của 1 bể khoảng 5 m3 - 9 m3 và lắp đặt dưới địa hình không có sỏi, đá.
Đến thăm mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình ông Lò Văn Phiêng, bản Ít Bon, thị trấn Ít Ong, trung bình một năm gia đình nuôi từ 50 - 60 con lợn, 2 con trâu. Trước đây, chưa xây dựng CTKSH, nước thải và chất thải chăn nuôi đều thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, tiềm ẩn các nguy cơ về bệnh dịch, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và các hộ xung quanh. Ông Phiêng chia sẻ: Được tuyên truyền, vận động xây dựng, cùng với hiệu quả từ những CTKSH của bà con trong bản, năm 2017, gia đình tôi đăng ký tham gia dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp và được hỗ trợ 5 triệu đồng, tôi bàn với gia đình đầu tư thêm 15 triệu đồng xây dựng bể biogas bằng gạch, thể tích 18 m3. Các chất thải từ chăn nuôi được CTKSH xử lý theo quy trình: Qua bể chứa chất thải, bể lắng và bể tràn chứa nước sạch. Ngoài ra, phân hữu cơ và bể tràn hút nước sau biogas, gia đình sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Hiện, gần 90% các hộ chăn nuôi trong bản đều có CTKSH, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nói về lợi ích của CTKSH từ dự án mang lại cho gia đình, anh Lò Văn Loan, bản Nà Nong, thị trấn Ít Ong, chia sẻ: Gia đình xây dựng CTKSH để xử lý lượng chất thải từ chăn nuôi và từ công trình vệ sinh của gia đình. Qua xử lý, khí gas do bể biogas mang lại sử dụng để đun nấu, phục vụ sinh hoạt. Vì vậy, mỗi năm gia đình còn tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng chi phí mua gas và củi.
Có thể thấy, dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đã mang lại hiệu quả tích cực cho công tác quản lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ để giảm sử dụng phân hóa học, sử dụng tối đa các phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất năng lượng sinh học, bước đầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và bảo vệ môi trường nông thôn
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!