Độc đáo Lễ hội mừng cơm mới

Với đồng bào dân tộc Thái xã Ngọc Chiến (Mường La), trong năm có 4 lễ lớn là “Tết Nguyên đán”, “Tết Độc lập”, “Cúng hồn trâu” và “Tết mừng cơm mới”. Không biết “Tết mừng cơm mới” có tự bao giờ, chỉ biết tập tục văn hóa này được truyền từ thế hệ này qua các thế hệ khác. 3 năm trở lại đây, “Tết mừng cơm mới“ ở Ngọc Chiến được tổ chức thành Lễ hội quy mô cấp huyện, xã, trở thành ngày hội văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, thu hút đông đảo du khách các nơi đến tham quan. Năm nay, Lễ hội được tổ chức quy mô cấp xã, diễn ra trong 2 ngày (8 và 9/9).

 

Đông đảo nhân dân và du khách tham gia ném còn tại Lễ hội.

Tháng 9, khi cánh đồng lúa ở Ngọc Chiến chín vàng, là lúc nhân dân địa phương chuẩn bị cho Lễ hội mừng cơm mới. Năm nay, Lễ hội diễn ra trong thời tiết nắng ấm, thuận lợi. Cánh đồng lúa Mường Chiến vì thế càng vàng rực hơn, hương lúa cũng thơm hơn. Đường về Ngọc Chiến được trải nhựa đi lại thuận lợi, dọc đường cờ hoa, biểu ngữ rực rỡ trong nắng đầu thu. Tiếng nhạc, lời ca vang vọng như thúc giục, mời gọi mọi người về trẩy hội. Trên những cung đường, những dòng người háo hức, đổ về bản Mường Chiến - nơi tổ chức Lễ hội ngày một đông hơn. Nổi bật nhất là chị em váy áo mới sặc sỡ sắc màu đặc trưng của dân tộc Mông, Thái. Lễ hội diễn ra vào cuối tuần nên nhiều em nhỏ được bố bồng, mẹ địu trên lưng xuống trẩy Hội.

Nghi lễ đầu tiên là Lễ cúng cơm mới được tổ chức tại Nhà thờ bản Mường Chiến vào sáng ngày 8/9, khi vạn vật được cơn mưa tối qua tưới tắm, ngày mới trời trong vắt, mây xanh cao vút. Đúng 10 giờ sáng, thầy mo được chọn cúng Lễ cơm mới, sắp mâm cỗ cúng với đầy đủ cơm cũ, cơm mới, màu xanh cốm non, “khẩu háng” đặc trưng của đồng bào Thái Trắng (cơm được chế biến từ thóc đồ chín, phơi khô, xát thành gạo rồi lại đồ lên), gà, cá, các loại hoa quả. Nhiều năm liên tiếp được đại diện, làm Lễ cúng cơm mới, ông Cầm Văn Hội, bản Mường Chiến, cho biết: Lễ cúng cơm mới là một trong những nét văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái Trắng ở Ngọc Chiến với ý nghĩa tạ ơn thần linh, trời đất bản sứ, cầu cho mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no quanh năm.

Phần Lễ cúng cơm mới sau đó được các nghệ nhân của xã biểu diễn bằng hình thức sân khấu hóa, giúp người dân, du khách hình dung và cảm nhận rõ hơn về nét văn hóa độc đáo trong đời sống tâm linh, sinh hoạt và sản xuất của đồng bào Thái ở Ngọc Chiến. Trong đó, tái hiện việc sản xuất qua các bài hát, múa minh họa khâu làm đất, gieo mạ, cấy lúa, xua đuổi chim, thú phá hoại mùa màng, gặt lúa mang về nhà và tổ chức ăn mừng vụ mùa bội thu để báo cáo với tiên tổ về những thành quả lao động trong năm vừa qua để tổ tiên tiếp tục phù hộ cho vụ tiếp theo.

Ngay sau phần Lễ là phần Hội, được diễn ra trong ngày 8 và 9, với các hoạt động: Chương trình nghệ thuật khai mạc, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người dân đến xem. Ấn tượng nhất là đêm khai mạc Lễ hội mừng cơm mới được tổ chức giữa cánh đồng Mường Chiến, thoang thoảng hương nếp thơm, xa xa trên sườn đồi bản làng lung linh ánh điện, tạo ấn tượng khó quên đối với du khách. Chương trình văn nghệ chủ đề “Ngọc Chiến - Mùa lúa mới” đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái trắng như hát then, đàn tính, các tiết mục múa hát ca ngợi Đảng, quê hương đất nước, vòng xòe đoàn kết, tạo không khí rộn ràng, sôi động cả một vùng.

Các hoạt động tại Lễ hội, như: Thi làm cốm, ẩm thực, bắt cá, bắn nỏ, bóng đá nam, đánh tulu, ném papao, tung còn, đi cầu thăng bằng cũng diễn ra rất sôi động trong tiếng reo hò, cổ vũ của khán giả. Toàn xã có tổng số 24 đội thi đến từ các bản, liên bản, đơn vị trường học trong xã đăng ký tranh tài ở tất cả các nội dung. Có những môn thi diễn ra thời điểm cuối trưa, hoặc đầu giờ chiều, thời tiết vùng cao nắng nóng hanh hao, nhưng hàng nghìn người dân vẫn tập trung để cổ vũ cho các đội thi. Các phần thi trò chơi dân gian đều mang đậm bản sắc đặc trưng gắn liền với nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt, sản xuất đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ngọc Chiến có trên 655 ha lúa và có giống lúa nếp Tan đặc sản chỉ riêng nơi vùng cao này mới có, đảm bảo lương thực quanh năm. Mùa này, ở Ngọc Chiến, khách đến nhà sẽ được gia chủ mời thưởng thức món cốm nếp thơm, dẻo, càng nhai kỹ càng thấy bùi, ngậy. Hằng năm, cuối tháng 8, đầu tháng 9, những bông lúa đầu tiên uốn câu, vào mẩy được bà con ngắt về làm cốm. Trước đây, món cốm chỉ được dùng để thờ cúng tổ tiên vào Lễ cúng cơm mới. Những năm gần đây, cốm đã được chế biến và trở thành hàng hóa, với giá khoảng 150 nghìn đồng/kg.

Tham gia Lễ hội còn có 14 gian hàng của người dân trong vùng, trưng bày và bày bán các mặt hàng phong phú đa dạng từ trang phục dân tộc, đồ dùng thủ công được làm từ mây, bông gạo của đồng bào dân tộc Thái; các món ẩm thực đặc trưng địa phương là cốm, thịt chua, cá chua, pỉnh tộp, sơn tra... Nán lại ở một gian hàng đồ truyền thống, du khách Lê Xuân Lục, Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi dự Lễ hội mừng cơm mới ở Ngọc Chiến. Tôi đã được hòa mình vào không khí Lễ hội sôi động, độc đáo qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao đa dạng, phong phú. Tôi hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái nhưng ấn tượng sâu sắc nhất đọng lại chính là cảnh đẹp thiên nhiên, không khí trong lành, sự hiếu khách người dân địa phương. Nhất định tôi sẽ trở lại Ngọc Chiến và giới thiệu mảnh đất, con người nơi đây đến bạn bè. 

Sau 2 ngày diễn ra, Lễ hội “Mừng cơm mới” để lại những dấu ấn tốt đẹp đối với khách du lịch. Với những tiềm năng du lịch sẵn có, Ngọc Chiến tập trung khai thác thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ, phát huy các văn hóa truyền thống địa phương, xây dựng nông thôn mới Ngọc Chiến ngày càng đổi thay.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới