Thực hiện công tác di dân tái định cư xây dựng Thủy điện Sơn La, hơn 10 năm trước, hàng trăm hộ dân của xã Nậm Giôn (Mường La) phải di chuyển khỏi vùng ngập để xây dựng thủy điện Sơn La. Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn của những hộ dân TĐC thủy điện Sơn La, tiềm năng lợi thế của địa phương đã được phát huy, từng bước giúp bà con xóa đói, nghèo và xây dựng cuộc sống trên vùng quê mới
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của các hộ dân xã Nậm Giôn (Quỳnh Nhai).
Ảnh: TS
Nậm Giôn là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, cách trung tâm huyện 75 km, là nơi sinh sống của 3 dân tộc Mông, Kháng, La Ha, ở 17 bản. Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, vào thời điểm những năm 2005 - 2006, 8 bản của xã Nậm Giôn phải di chuyển ra khỏi vùng ngập, đến điểm cao hơn (di vén tại chỗ). Nhiều diện tích đất canh tác của người dân ngập chìm trong bể nước, lúc đầu gặp không ít khó khăn bởi đất sản xuất ít mà gia đình thì chỉ quen làm ruộng, nương, nay sống giữa sông nước mênh mông, cách ăn, ở, đi lại... đều phải thay đổi. Xác định công tác ổn định đời sống nhân dân tái định cư Thủy điện Sơn La là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, với mục tiêu “đồng bào di chuyển đến nơi ở mới phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”, Đảng bộ và chính quyền xã Nậm Giôn phát huy tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống. Tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện, cấp ủy chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của xã bước đầu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông - lâm nghiệp; tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - thương mại.
Trong phát triển sản xuất, xã đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất gắn với thực hiện tốt chính sách phát triển nông nghiệp hàng hoá, nhất là tại các bản di dân tái định cư. Hiện nay, đàn gia súc của xã có trên 4.000 con, hơn 10.000 con gia cầm; tập trung thâm canh trên 1.000 ha ngô, sắn, lúa nương, tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt trên 1.200 tấn, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đặc biệt, những năm gần đây, tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ, người dân triển khai mô hình nuôi cá lồng, hiện toàn xã có 156 lồng cá, có 1 HTX thủy sản... góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là nhân dân vùng tái định cư. Điều này, thể hiện qua những con số, tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 của Nậm Giôn là 79,9% đã giảm xuống còn 66,4% vào năm 2018; năm 2019 này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã Nậm Giôn quyết tâm đăng ký với huyện hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 60%...
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình 134, 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ, cùng các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, trong 5 năm gần đây, người dân Nậm Giôn được hỗ trợ phát triển sản xuất như: Đầu tư nuôi cá lồng, giống cây trồng, vật nuôi. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống các hộ dân, đó là xây dựng nhà văn hóa, làm đường giao thông, công trình nước sinh hoạt và cho hàng nghìn lượt hộ vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực để người dân vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, toàn xã có 100% số hộ được dùng nước sạch, 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, đường ô tô vào tới các bản trong xã. Kinh tế dần ổn định, việc học của con trẻ được quan tâm. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; xã có 17 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên duy trì hoạt động hiệu quả; công tác dân số, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tiếp tục được cải thiện, cơ sở vật chất trạm y tế xã được xây dựng và đầu tư, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Với sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây, vùng đất tái định cư Nậm Giôn đã khoác trên mình diện mạo mới. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở xã vẫn còn cao, rất cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!