Chiềng Công mùa thảo quả

Trong những năm qua, xã Chiềng Công (Mường La) đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương. Tại các bản vùng cao, bà con đã tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng cây thảo quả- loại cây trồng đã và đang mang lại nguồn thu khá ổn định cho bà con.

Nông dân bản Tảo Ván, xã Chiềng Công (Mường La) chuẩn bị thu hoạch thảo quả trồng dưới tán rừng.

Thời điểm này, thảo quả ở Chiềng Công đang chín rộ, các hộ dân trồng thảo quả đã sửa sang lại lán nương, lò sấy để thu hoạch và sơ chế thảo quả tại chỗ. Ông Mùa A Lụ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Công thông tin: Với 7.500 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ, cùng với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, từ năm 2012, người dân trong xã đã tiến hành trồng cây thảo quả dưới tán rừng, bởi đây là loại dược liệu mang lợi ích kép, vừa chống xói mòn, chống rửa trôi đất, vừa mang lại thu nhập khá so với trồng các loại cây khác. Để mở rộng diện tích, xã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng thảo quả dưới tán rừng, gắn với quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng; đồng thời, cử cán bộ khuyến nông về tận các bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, lựa chọn những quả đạt tiêu chuẩn để ươm giống...

Theo thống kê, toàn xã hiện có 160 hộ dân trồng cây thảo quả, tới gần 70 ha dưới tán rừng (hơn 30 ha đã cho thu hoạch quả), tập trung ở các bản: Tảo Ván, Pá Chè, Chống Dụ Tẩu, Tốc Tát trên, Kéo Hỏm, Lọng Bó, Hán Cá Thệnh, Mới... năng suất trung bình trên 5 tấn quả tươi/ha. Theo người dân, loại cây này thường cao từ 2 - 3 m, thân rễ to, mọc thành cụm, ưa ẩm, nên tốt nhất là trồng dưới tán rừng; thời gian trồng từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Quả cây này mọc thành chùm, hình quả trứng, khi chín có màu đỏ tía, hạt màu vàng nâu, mùi thơm, vị cay; thu hoạch quả từ tháng 10 đến tháng 11 hằng năm. Vụ năm 2018, sản lượng thảo quả tươi toàn xã đạt gần 160 tấn, giá bán từ 18.000 - 22.000 đồng/kg.

Tảo Ván là bản đầu tiên trồng cây thảo quả ở xã Chiềng Công. Bản có 53 hộ đồng bào Mông. Ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, nên khí hậu quanh năm mát mẻ; ngoài trồng cây lúa nương, ngô, sơn tra thì cây thảo quả trồng dưới tán rừng đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo; không ít hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng như gia đình các ông: Mùa A Lâu, Mùa A Cu, Mùa A Nanh...; cả bản đều trồng cây thảo quả dưới tán rừng, diện tích tới gần 30 ha (13 ha đã cho thu hoạch), sản lượng hơn 60 tấn quả tươi/năm. Gia đình anh Mùa A Nanh, một trong những hộ đầu tiên trong bản đem giống cây thảo quả về trồng. Năm 2012, anh mua 500 gốc thảo quả từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) về trồng; năm sau tiếp tục mua 5 kg hạt giống thảo quả về ươm để mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh có gần 4 ha, hơn 2 ha đã cho thu hoạch. Vụ năm ngoái, nhà anh thu trên 10 tấn quả tươi, hơn 1.000 cây giống và 50 kg hạt giống, thu về 240 triệu đồng. Năm nay, nhà anh dự kiến thu hoạch khoảng 10 tấn quả. Anh Nanh cho biết: 3 năm nay, đến thời điểm thu hoạch thảo quả là thương lái ở Yên Bái lại sang tận nơi thu mua, giá từ 18-22 nghìn đồng/kg quả tươi. 

Thấy rõ lợi ích của trồng cây thảo quả dưới tán rừng, xã Chiềng Công sẽ tiếp tục vận động nhân dân các dân tộc mở rộng diện tích, gắn với công tác bảo vệ rừng, phấn đấu hằng năm trồng mới từ 15 - 20 ha, giúp người dân trong xã xóa nghèo bền vững.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới