Bản Tảo Ván (xã Chiềng Công, Mường La) là một trong những bản trồng nhiều cây thảo quả dưới tán rừng, bước đầu cây trồng này cho thu nhập khá, đang được người dân trong bản mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Người dân bản Tảo Ván, xã Chiềng Công chăm sóc cây thảo quả.
Anh Mùa A Súa, Bí thư Chi bộ bản Tảo Ván, chia sẻ: Khi mới đưa cây thảo quả về trồng có rất ít người dân hưởng ứng, vì họ lo không biết cây trồng này có mang lại hiệu quả không. Tuy nhiên, một số hộ đã tiên phong trồng và có thu nhập khá từ cây thảo quả nên bà con đã bảo nhau mở rộng diện tích trồng cây thảo quả.
Bản Tảo Ván nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, bản có 53 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Bao đời nay, bà con chỉ trồng cây ngô, cây lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, bởi vậy, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 75%. Được biết, vài năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình, dự án trong phát triển kinh tế, người dân bản Tảo Ván đã tích cực tìm hướng thoát nghèo bằng trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Nhớ lại, cách đây khoảng 7 năm, cây thảo quả được đem về trồng ở bản Tảo Ván, khi đó chỉ có 4 hộ tham gia trồng, đến nay, diện tích cây thảo quả của bản đã nâng lên gần 30 ha, trong đó hơn 10 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước gần 40 tấn quả tươi/năm, bán với giá 20.000 đồng/kg. Nhiều hộ có thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng từ trồng thảo quả, như gia đình anh Mùa A Lâu, Mùa A Nênh, Mùa A Khua... Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích thảo quả.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Mùa A Cu, một trong những hộ đầu tiên đem giống cây thảo quả về trồng. Qua câu chuyện được biết, năm 2012, thời điểm vào mùa thu hoạch củ dong riềng, một số thương lái người Mông ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) lên bản thu mua dong riềng đã giới thiệu về cây thảo quả cho anh Cu và một số hộ dân trong bản, họ nói, khí hậu, đất đai ở đây giống với những vùng trồng thảo quả ở huyện Mù Cang Chải. Anh Cu cùng 3 hộ dân trong bản bàn bạc, thống nhất đưa giống cây thảo quả về trồng thử nghiệm. Ban đầu, anh mua 200 gốc thảo quả về trồng, sau một năm, nhận thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, nên năm 2013, anh và một số hộ dân trong bản tiếp tục đến huyện Mù Cang Chải học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, cách nhân giống và mua 3 kg hạt giống thảo quả về trồng thêm. Đến nay, gia đình anh có 3 ha cây thảo quả, trong đó, hơn 2 ha đã cho thu hoạch, vụ năm 2018, gia đình anh thu 10 tấn quả tươi với giá bán 20 nghìn đồng/kg, thu nhập 200 triệu đồng. Anh Cu phấn khởi: Nhờ trồng cây thảo quả, gia đình tôi đã thoát nghèo, có điều kiện làm nhà mới khang trang hơn và chăm lo cho con cái học hành chu đáo.
Thực tế cho thấy, cây thảo quả đã và đang mang lại nguồn thu khá cho người dân bản Tảo Ván. Tuy nhiên, bà con rất mong được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc để cây thảo quả đạt năng suất, chất lượng tốt hơn và hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ, để từ cây trồng này, góp phần giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!