Là năm thứ 5 đưa giống sắn cao sản vào trồng tại xã Nậm Giôn (Mường La), cây trồng đã tạo nguồn thu nhập cho người dân nơi đây, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Từ lâu, người dân xã Nậm Giôn đã trồng cây sắn giống địa phương, năng suất đạt 8-10 tấn củ tươi/ha; tuy nhiên, giống sắn này củ nhỏ, nhiều sơ, vỏ dày, nên giá thành thấp. Đầu năm 2016, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đưa giống sắn KM98-7 và BK vào trồng thử nghiệm 10 ha tại bản Huổi Tao. Các hộ tham gia trồng sắn được hướng dẫn kỹ thuật chăm bón và được hỗ trợ 100% giống. Qua thời gian trồng thử nghiệm cho thấy, 2 giống sắn KM98-7 và BK phù hợp với diện tích nương có độ dốc lớn, có khả năng sinh trưởng tốt, chịu khô hạn, cây cao, thân thẳng, khả năng mọc mầm sống cao, thời gian sinh trưởng từ 9-10 tháng (ngắn hơn 30-45 ngày so với giống sắn địa phương); năng suất trung bình đạt 20-22 tấn củ tươi/ha.
Người dân bản Huổi Trà, xã Nậm Giôn (Mường La) chăm sóc cây sắn cao sản.
Những năm qua, nhiều hộ dân trong xã đã chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa nương kém hiệu quả, diện tích đất dốc khó canh tác sang trồng cây sắn cao sản. Hiện, xã trồng 450 ha sắn cao sản, sản lượng trên 9.000 tấn củ tươi/năm, tập trung tại các bản: Huổi Tao, Huổi Trà, Huổi Chèo, Pá Pù, bản Có... Giá bán từ 1.400 - 2.000 đồng/kg sắn củ tươi, 4.000 - 4.500 đồng/kg sắn miếng phơi khô, thu nhập từ 35-40 triệu đồng/ha. Sắn củ tươi chủ yếu được bán cho thương lái đến thu mua tận nơi phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cung cấp một phần cho nhà máy sản xuất tinh bột sắn trong và ngoài tỉnh; sắn lát phơi khô, sấy khô được một số công ty, doanh nghiệp chế biến thực phẩm thu mua làm nguyên liệu sản xuất.
Bà Quàng Thị Biệt, Chủ tịch UBND xã Nậm Giôn, cho biết: Xã đã định hướng việc mở rộng diện tích trồng cây sắn cao sản. Để giúp bà con có kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản giống sắn mới, xã đã mời cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về tổ chức tập huấn cho các hộ dân. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khâu nối với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Theo kinh nghiệm của người dân trồng sắn trong xã, từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4 hàng năm, bắt đầu làm đất trồng sắn, đến cuối tháng 12, đầu tháng 1 năm sau có thể thu hoạch. Loại cây này trồng được những nơi đất có độ dốc cao, đất bạc màu, thời gian thu hoạch dài; phơi khô tích trữ được lâu không bị mối mọt. Ngoài ra, có thể trồng xen cây lạc, đỗ; tận dụng lá sắn làm thức ăn cho tằm, cá, hoặc ủ chua làm thức ăn cho gia súc, thân cây sắn nghiền nhỏ để ủ phân hữu cơ hoặc giá thể trồng nấm sò...
Từ trồng sắn cao sản, nhiều hộ dân xã Nậm Giôn đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập khá, điển hình như hộ gia đình các ông: Giàng A Di, Mùa A Dệnh (bản Huổi Trà); Quàng Văn Sương (bản Huổi Tao); Lò Văn Phương (bản Huổi Lẹ)..., thu nhập từ 100-150 triệu đồng/vụ.
Anh Mùa A Dệnh, bản Huổi Trà, chia sẻ: Nhận thấy nhiều hộ dân trong xã, trong bản trồng giống sắn cao sản đạt hiệu quả, năm 2016, gia đình tôi trồng 5 ha sắn cao sản BK, KM98-7. Vụ đó thu hoạch được gần 100 tấn củ tươi, thu hơn 140 triệu đồng, sản phẩm được thương lái đến tận nơi thu mua. Năm nay, gia đình tôi trồng 8 ha sắn cao sản, hiện cây sắn đang phát triển tốt.
Từ việc trồng cây sắn cao sản đã giúp một số hộ dân xã Nậm Giôn thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 3%/năm trở lên. Song, bà con rất mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ giống sắn; tập huấn kỹ thuật trồng sắn xen canh cây trồng khác, giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, phấn đấu thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!