Cần làm rõ nguyên nhân khiến nhiều trẻ thiểu năng ở Pi Toong

Theo phản ánh của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Sơn La, 2 Trường Tiểu học Pi Toong 1 và Pi Toong 2 ở xã Pi Toong, huyện Mường La có nhiều học sinh bị thiểu năng trí tuệ. Người dân ở khu vực này đang lo lắng, liệu số trẻ bị bệnh có tiếp tục tăng? nguyên nhân gây bệnh? Cuộc sống của những đứa trẻ này sẽ ra sao?

 

Một số người dân vẫn sử dụng thủy ngân để đãi vàng ở bản Phiêng. (Ảnh chụp ngày 16/8/2017).

 

Bất thường số trẻ thiểu năng

Theo tìm hiểu, Trường Tiểu học Pi Toong 1 có 388 học sinh, trong đó có 17 học sinh bị thiểu năng trí tuệ, nhiều nhất là ở bản Ten. Trao đổi với thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hùng, được biết: Năm học 2014-2015, nhà trường có 26 học sinh bị thiểu năng trí tuệ. Năm học 2016-2017, trường có 20 em; năm nay, số học sinh bị thiểu năng giảm, chỉ còn 17 em do 4 em học lên bậc học THCS và trường nhận 1 em từ trường mầm non vào học. Số học sinh này vẫn được lên lớp, vì theo quy định đối với người khuyết tật sẽ có hồ sơ theo dõi riêng, chứ không đánh giá học lực.

Còn thầy giáo Trần Việt Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pi Toong 2, cho chúng tôi biết: Nhà trường có 361 học sinh, trong đó 26 học sinh từ 6 đến 11 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, chủ yếu ở bản Toong và trường trung tâm. Đối với các em bị thiểu năng trí tuệ, dù giáo viên đã cố gắng truyền đạt kiến thức, song các em đọc và viết rất chậm, không nhận thức được đầy đủ so với học sinh khác. Qua điều tra phổ cập, các cháu bị thiểu năng trong độ tuổi trên địa bàn xã đều được đi học, trừ trường hợp bị câm, điếc hoặc gia đình không cho đi. Chúng tôi cũng đã thấy các cơ quan chức năng của tỉnh vào làm việc nhưng chưa có kết luận nguyên nhân...

Con trai anh Vì Văn Lùn, bản Ten đã 10 tuổi nhưng chưa biết nói, chưa biết đi.

Tìm hiểu thêm, ở 2 trường mầm non Pi Toong và THCS cũng có 18 trường hợp có biểu hiện bị thiểu năng. Chúng tôi đến bản Ten, cả bản có 6 trẻ bị thiểu năng, khoảng từ 8-17 tuổi, trong số này 2 cháu vẫn được đi học, nhưng không phát triển bình thường như các cháu cùng lớp, 4 cháu khác được gia đình trông coi tại nhà vì bố mẹ các cháu cho rằng không có khả năng giao tiếp, bị câm điếc và không có khả năng lao động. Đến nhà anh Vì Văn Lùn, ở bản Ten, có con trai 10 tuổi bị thiểu năng trí tuệ, anh cho biết: Khi sinh ra thì cháu bình thường, nhưng đến bây giờ cháu vẫn không đi được, không biết nói, không nghe được. Gia đình đã đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, nhưng chỉ được phát thuốc bổ về nhà uống. Hiện cháu được Nhà nước hỗ trợ 1 xe lăn, 500 nghìn đồng/tháng.

Ông Lường Văn Vui, Phó Chủ tịch UBND xã Pi Toong, cho biết: Số người bị thiểu năng chủ yếu ở các bản Ten, Chộc, Phiêng, Nà Núa. Tại hai trường tiểu học trên địa bàn, năm 2016, xã đã công nhận thực hiện chi trả chế độ cho 27 trường hợp, năm 2017, xã đang rà soát lại 28 hồ sơ. Hiện nay, xã đang xác minh số trẻ bị thiểu năng trong độ tuổi mà chưa đi học.

Ngày 19/5/2017, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã có báo cáo điều tra về tình trạng người khuyết tật trên địa bàn xã Pi Toong, tổng số người khuyết tật đến ngày 31/12/2016 là 143 người; trong đó, khuyết tật đặc biệt nặng 31 người, khuyết tật nặng 63 người và khuyết tật nhẹ 49 người; tỷ lệ người khuyết tật chiếm gần 2% dân số của xã.

Những nghi vấn trẻ bị nhiễm thủy ngân

Xã Pi Toong, huyện Mường La hiện có 1.574 hộ, 7.568 nhân khẩu, nhưng có tới gần 2% người khuyết tật. Đây là con số cao bất thường. Nhiều người dân trên địa bàn xã nghi ngờ, có thể các cháu bị nhiễm độc thủy ngân do tình trạng đào đãi vàng trên địa bàn xã. Được biết, thời Pháp thuộc, địa bàn xã Pi Toong đã bị người Pháp khai thác vàng tập trung ở bản Lứa và Nà Cài, đây là nơi đầu nguồn con suối chảy qua xã. Đến thời bình, người dân trong xã tiếp tục khai thác vàng, những năm 2010-2012 tình trạng khai thác vàng càng ồ ạt. Theo ông Lò Văn Phiêu, Chủ tịch UBND xã Pi Toong thì tình trạng khai thác vàng đã chấm dứt từ tháng 4/2013. Việc khai thác vàng có liên quan đến số trẻ bị thiểu năng hay không thì vẫn chưa có cơ quan chức năng nào kết luận. Còn việc lập hồ sơ xác minh người khuyết tật và chi trả chế độ cho các cháu bị thiểu năng đã được xã thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, ngày 16/8/2017, khi có mặt tại bản Phiêng, chúng tôi vẫn thấy một số người dân sử dụng thủy ngân để khai thác vàng. Hầu hết họ đều dùng tay và các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng và các máng sàng làm bằng gỗ để đãi. Khi hỏi có hiểu biết sự độc hại của việc sử dụng thủy ngân để đãi vàng, bà Vì Thị Văn, trú tại bản Pi, thật thà: Biết là xã không cho khai thác vàng nhưng chúng tôi tranh thủ trời mưa có nước để rửa nên mới làm. Thủy ngân thì chúng tôi đi xin của người quen, biết là độc nhưng dòng nước này chúng tôi không dùng, nếu chưa có con thì chúng tôi không dám đãi vàng đâu. Mấy chị em ở đây có con rồi nên không sợ bị độc!!!

Như vậy, liệu việc sử dụng thủy ngân để đãi vàng có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước và dẫn tới ảnh hưởng tới sức khỏe của những em học sinh ở hai trường tiểu học trên địa bàn xã hay không? Số phận những đứa trẻ bị thiểu năng kia sẽ ra sao? Đã nhiều năm nay, người dân mong đợi câu trả lời. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để người dân biết cách phòng tránh. Đồng thời, chấm dứt tình trạng sử dụng thủy ngân để đãi vàng nhằm tránh làm ô nhiễm nguồn nước.

Theo một số nghiên cứu khoa học, lượng thủy ngân trong máu của phụ nữ mang thai tăng cao có thể tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc gây ra các dị tật bẩm sinh như mù, điếc, tổn thương thận và chậm phát triển trí não,chậm tăng cân nếu bào thai tiếp xúc với các kim loại trong tử cung. Thủy ngân sau khi vào trong cơ thể thai phụ sẽ phá hủy hệ thống thần kinh trung ương của thai nhi, ảnh hưởng tới nhận thức. 
Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới