Sáng nào cũng vậy, công việc đầu tiên trong ngày của chị Lò Thị Thiết, bản Mường Chiến là lên nương, cắt những bó cỏ voi chở về nhà để làm thức ăn cho 3 con trâu của gia đình. Trước đây, gia đình chị thả trâu ở nương, khoảng 6-7 năm trở lại đây, mới chuyển sang trồng cỏ, nuôi nhốt. Chị Thiết cho biết: So với trước đây, cách nuôi nhốt trâu béo hơn, ít bị bệnh và sinh sản đều hơn. Ngoài ra, nguồn phân chuồng được tận dụng để tái sản xuất và gom lại bán cho các chủ trang trại trên địa bàn huyện.
Người dân xã Ngọc Chiến thu hoạch cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.
Đến xã Ngọc Chiến (Mường La) hôm nay, cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt, những nương, ruộng trước đây bỏ hoang và những rẻo đất trống ven đường được bà con nơi đây tận dụng chuyển sang trồng cỏ voi xanh mướt. Không còn trâu, bò thả rông như trước, mà được nhốt trong chuồng.
Vừa cắt cỏ, chị Quàng Thị Đợi, bản Nà Tâu chia sẻ: Vài năm trở lại đây, được xã, bản tuyên truyền, vận động cùng với nhìn thấy hiệu quả nuôi bò nhốt từ các hộ trong bản, gia đình tôi mua trâu bò gầy ở những nơi khác về nuôi vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng làm hàng hóa. Nhà tôi hiện nuôi 8 con trâu, bò, trồng gần 5.000 m2 cỏ để làm thức ăn cho đàn gia súc. Về mùa đông, giữ ấm chuồng trại và dự trữ thức ăn cho đàn trâu, bò bằng cách ủ chua theo tỷ lệ 1 tạ cỏ tươi thái nhỏ trộn 3 kg cám gạo, 3 kg bột ngô với 2 kg muối đem ủ trong bể chứa, với cách nuôi này và tiêm phòng, tẩy giun đầy đủ cho đàn trâu bò nên đảm bảo được vấn đề vệ sinh, phòng bệnh. Gia đình tôi vừa xuất bán 8 con trâu, bò cho thương lái, trừ chi phí thu khoảng 80 đến 100 triệu đồng/năm từ nuôi trâu, bò vỗ béo.
Ngọc Chiến hiện có trên 50.000 con gia súc, gia cầm các loại, trong đó đàn trâu hơn 1.800 con, đàn bò gần 1.600 con. Trước đây, bà con nuôi trâu lấy sức kéo và thường thả rông gia súc. Khoảng thời gian từ tháng 10 thu hoạch lúa xong bà con thường thả trâu, bò cho tự kiếm ăn tại các ruộng lúa đã gặt, thậm chí đến tháng 3, tháng 4 năm sau mới tìm dắt về nhà. Mùa đông vùng cao Ngọc Chiến thời tiết khắc nghiệt, do vậy, số lượng trâu, bò bị chết rét nhiều, như năm 2014, cả xã có trên 600 con trâu, bò bị chết rét, thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi trâu bò trên địa bàn xã phát triển mạnh. Nhà ít thì nuôi 2-3 con, nhà nhiều nuôi hàng chục con. Trong khi đó, diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp; nguồn thức ăn tự nhiên hạn chế khiến cho năng suất, lợi nhuận kinh tế từ chăn nuôi trâu bò không cao...
Trước thực trạng trên, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân xây dựng chuồng trại xa khu nhà ở, chuyển đổi những diện tích trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ, chăn nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng. Phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật dựng chuồng trại, chế độ dinh dưỡng với khẩu phần ăn hợp lý, công tác vệ sinh, tiêm phòng dịch bệnh, chống đói rét cho gia súc vào mùa đông... Đồng thời, vận động các bản, đưa việc cấm thả rông gia súc vào hương ước, quy ước của bản. Nếu thả rông gia súc phá hoại sản phẩm gì của các hộ dân ở địa phương, thì người chủ sẽ phải bồi thường sản phẩm đó. Đến nay, 100% các bản trên địa bàn xã đều thực hiện nuôi nhốt trâu, bò; có chuồng trại riêng biệt với khu nhà ở và các hộ dân trong bản đã trồng gần 300 ha cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc.
Ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, thông tin: So với trước đây, chăn nuôi gia súc theo hướng nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm công lao động, hạn chế rủi ro, dễ dàng chăm sóc, kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài ra, nguồn phân chuồng được sử dụng tái sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Từ thực tế của việc nuôi gia súc nhốt chuồng, xã Ngọc Chiến sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng cỏ, đưa các sản phẩm chăn nuôi trở thành hàng hóa lớn. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!