Quốc lộ 6-con đường huyết mạch lên Tây Bắc, chạy qua địa bàn nên thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, có nhiều lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Là trung tâm của huyện Yên Châu, thị trấn được huyện tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ thông qua việc đầu tư hạ tầng; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm mua sắm, mở rộng kinh doanh. Triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường công tác kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng..., đảm bảo thị trường lành mạnh cho kinh doanh phát triển ổn định.
Hiện nay, thị trấn Yên Châu có gần 450 kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng các loại hình sản xuất, kinh doanh, như: Kinh doanh thực phẩm, nhà nghỉ, khách sạn, du lịch, vận tải, thu mua chế biến nông sản; sửa chữa ô tô, xe máy; cửa hàng tạp hóa, bán hàng tiêu dùng... Các cơ sở kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương, với mức lương bình quân khoảng 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 2 tỷ đồng.
Ông Phạm Đức Sinh, Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: Thị trấn Yên Châu luôn tạo điều kiện, khuyến khích các hộ mở rộng ngành nghề, kinh doanh thương mại, dịch vụ theo hướng đa lĩnh vực. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay, tạo thuận lợi tốt nhất cho các hộ sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống nhân dân trên địa bàn.
Thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, sản xuất hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, chế biến thực phẩm; thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn. Phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Chị Nguyễn Thị Trinh, chủ trung tâm điện lạnh Minh Trinh, tiểu khu 1, cho biết: Nhà tôi đăng ký kinh doanh các loại điện tử, điện lạnh, điện gia dụng và các mặt hàng tiêu dùng… phục vụ người dân trên địa bàn huyện đã nhiều năm. Các sản phẩm đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo hành theo đúng quy định. Ngoài phát triển kinh tế, gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương, với mức 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Các loại hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, như: Bánh kẹo, rượu bia, quần áo, các sản phẩm nông sản cũng đang được các cửa hàng đẩy mạnh kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Linh, chủ cửa hàng tạp hóa Linh Tú, tiểu khu 1, cho biết: Trước đây, gia đình tôi mở cửa hàng quy mô nhỏ với số lượng hàng hóa ít. Những năm gần đây, giao thương phát triển, đời sống người dân được nâng lên, nhu cầu mua sắm tăng, gia đình tôi mở rộng diện tích cũng như nhập thêm các mặt hàng thiết yếu khác để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Đến nay, cửa hàng có đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Các mặt hàng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường, ưu tiên dùng hàng có chất lượng do Việt Nam sản xuất. Vì vậy, cửa hàng là địa điểm tin cậy của người tiêu dùng trong thị trấn.
Thương mại, dịch vụ phát triển đã làm thay đổi diện mạo thị trấn Yên Châu, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Với mục tiêu phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên trên 90 triệu đồng/người/năm vào năm 2025, thị trấn Yên Châu tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục phát huy lợi thế, đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!