Thay đổi căn bản nhận thức của nông dân, áp dụng cải tiến kỹ thuật trong chăn nuôi; thành lập các nhóm sở thích, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất… Đó là những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Dự án "Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới" tại tỉnh Sơn La.
Dự án "Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới" có tên địa phương là Chăn hênh, tên quốc tế là SAPLING, do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), nhóm tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La triển khai tại 9 xã của huyện Mai Sơn, gồm: Chiềng Chung, Chiềng Lương, Mường Bon, Hát Lót, Chiềng Kheo, Chiềng Dong, Chiềng Mai, Phiêng Cằm, Nà Bó.
Dự án được triển khai từ tháng 5/2023 đến tháng 12/2024, với 5 hợp phần, tập trung vào việc cải tiến thức ăn chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe vật nuôi; cải thiện giống, hướng tới năng suất và chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững, thúc đẩy bình đẳng giới và đa dạng dinh dưỡng thông qua thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Tham gia dự án Chăn hênh, các thành viên HTX nông nghiệp xanh Amo, xã Mường Bon được các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn các giải pháp cải tiến kỹ thuật, cách tiêm phòng vắc xin; phối trộn thức ăn, cải thiện dinh dưỡng đàn vật nuôi; xây dựng kế hoạch sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho bò, lợn; hỗ trợ giống cỏ mới năng suất vừa giữ được đất không bị xói mòn, vừa đa dạng nguồn thức ăn cho gia súc.
Anh Giàng A Dạy, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Amo, cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của dự án, các thành viên trong nhóm cùng nhau phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng cộng đồng chăn nuôi phát triển vững mạnh.
Tại các xã trong vùng dự án, các tổ, nhóm sở thích chăn nuôi đã hình thành, kết nối các thành viên tham gia, hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi, kết nối với các kênh bán lẻ, góp phần tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, nhóm sở thích chăn nuôi thu hút khoảng 700 người tham gia.
Anh Lường Văn Lùn, nhóm sở thích chăn nuôi bản Oi, xã Chiềng Lương, chia sẻ: Chúng tôi được hướng dẫn thu hoạch cỏ, dùng men vi sinh ủ cỏ làm thức ăn dự trữ và xử lý chất thải chăn nuôi; tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất, giúp giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.
Sau 2 năm triển khai, Dự án Chăn hênh đạt được kết quả đáng kể trong việc chuyển đổi sản xuất chăn nuôi, như: 207 nông dân và 19 cán bộ thú y được tập huấn về chăm sóc sức khỏe vật nuôi; 435 học viên được tập huấn về chọn giống; 44 học viên được tập huấn chuyên sâu về thụ tinh nhân tạo cho lợn và bò; 205 con bò được kiểm tra tình hình sinh trưởng, 170 con được thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ mang thai đạt 46% trong năm 2023 và 50% trong năm 2024; tổ chức 34 buổi tập huấn cho hơn 2.000 nông dân; xây dựng 8 trang trại trình diễn về an toàn sinh học, áp dụng các thực hành tốt; hơn 500 nông dân tham gia các buổi truyền thông trực tiếp; 60 lãnh đạo cộng đồng được tập huấn về giới trong chăn nuôi… Tại các xã triển khai dự án, đã tạo lập và duy trì 16 mô hình trồng cỏ và trang trại, tổ chức hàng trăm lớp tập huấn theo hình thức cầm tay chỉ việc với hàng nghìn lượt người tham gia...
Trực tiếp hướng dẫn và theo dõi dự án, anh Lò Quang Thành, điều phối viên Dự án Chăn hênh đánh giá: Các kỹ thuật của Dự án triển khai đều được người dân áp dụng thành công, đem lại hiệu quả, như: Việc dự trữ cỏ và thức ăn; ủ phân tiết kiệm phân bón mua bên ngoài, góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi mong muốn, tỉnh Sơn La tiếp tục đồng hành với Viện Chăn nuôi quốc tế để duy trì các mô hình xây dựng hệ thống chăn nuôi bền vững tại tỉnh Sơn La.
Dự án Chăn hênh đã đi đến những chặng đường cuối, khi các mục tiêu của dự án đang dần hoàn thành. Kết quả triển khai sẽ là bước khởi đầu quan trọng để Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan về thực trạng phát triển ngành chăn nuôi tại các vùng dự án triển khai, từ đó, có những giải pháp, đề xuất với tỉnh trong việc cải thiện, nâng cao năng suất chăn nuôi phù hợp với thực tế ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!