Tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Khuyến khích, tăng cường hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào hoạt động tại tỉnh vì mục đích nhân đạo. Các hoạt động đã thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội của địa phương.

Giọng nữ
Hội thảo Dự án GREAT 2 tại Sơn La.                                            Ảnh: PV

Năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 9/1/2024 về việc tăng cường hợp tác và vận động nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, đảm bảo các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) hoạt động đúng quy định; hướng dẫn các tổ chức PCPNN thực hiện thủ tục người nước ngoài vào địa bàn tỉnh và thực hiện quy trình thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động PCPNN, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tiếp xúc, làm việc với các tổ chức PCPNN.

Năm 2024, tỉnh Sơn La có 29 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động theo quy định. Ủy ban nhân dân tỉnh đã nhất trí, đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi, chuyển đổi giấy đăng ký hoạt động cho 11 tổ chức PCPNN.

Hội nghị tổng kết Dự án Chăn-hênh.       Ảnh: PV

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Ngoại vụ, cho biết: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã chủ động phối hợp hướng dẫn các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh về các quy định vận động, tiếp nhận, tổ chức thực hiện và quản lý nguồn viện trợ theo đúng quy định. Quá trình triển khai dự án, các nhà tài trợ đã hỗ trợ đầy đủ kinh phí theo cam kết; hoạt động đúng nội dung dự án được phê duyệt. Các chương trình, dự án thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực quản lý, hoạt động sản xuất có sự tham gia, giám sát của chính quyền địa phương và nhân dân.

Đồng thời, tổ chức 3 đoàn công tác của Sở Ngoại vụ đi tiếp xúc, làm việc với 3 cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, 1 Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và 8 tổ chức PCPNN nhằm tăng cường hợp tác, vận động nguồn viện trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh.

Đại diện nhà tài trợ Nhật Bản cùng Tổ chức Cứu trợ trẻ em thăm hộ dân xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên, tham gia Dự án "Cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La". Ảnh: Tuấn Hiển 

Đến tháng 11/2024, tỉnh Sơn La tiếp nhận, cho phép triển khai thực hiện 10 khoản viện trợ với vốn cam kết viện trợ hơn 4 triệu 822 nghìn USD, số lượng chương trình, dự án tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Các chương trình, dự án PCPNN phần lớn tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển KT-XH... hướng tới các đối tượng là phụ nữ, trẻ em, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nông dân, người dân tộc thiểu số nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Tổ chức International Farmers Participation Technical Net-work (IFPaT) của Nhật Bản đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cải thiện sinh kế thông qua hoạt động giới thiệu du lịch nông nghiệp đến các bản dân tộc thiểu số ở vùng đồi núi tỉnh Sơn La, Việt Nam” tại thành phố Sơn La, với tổng kinh phí hơn 470 nghìn USD. Dự án đã giúp người dân biết cách sản xuất trồng trọt trong nhà lưới, giảm thiểu việc dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, người dân được tiếp cận, học tập kỹ thuật gieo trồng một số cây trồng mới, như hoa Cát tường, dưa lê Hàn Quốc, dưa Hoàng Kim...

Nhà tài trợ Nhật Bản và Tổ chức SCI thăm vườn rau của các hộ nằm trong Dự án "Cải thiện sinh kế của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La". Ảnh: PV

Bên cạnh đó, Dự án “Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới” (Dự án Chăn-hênh), có tổng nguồn vốn trên 3,2 triệu USD, do Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La thực hiện trong 2 năm (2023-2024) tại huyện Mai Sơn và Phù Yên, đã tạo những chuyển biến tích cực trong chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Dự án có 5 hợp phần, gồm: Công nghệ và thực hành tăng năng suất bền vững; tăng đa dạng dinh dưỡng qua thực phẩm nguồn gốc động vật; năng suất chăn nuôi bền vững cho bình đẳng giới và hòa nhập xã hội; chuỗi giá trị chăn nuôi và cạnh tranh; quyết định dựa trên bằng chứng, nhân rộng mô hình.

Tham gia dự án, nông dân các xã Chiềng Chung, Hát Lót, Mường Bon, huyện Mai Sơn, được hỗ trợ thành lập 6 tổ hợp tác chăn nuôi, 89 thành viên. Các hộ chăn nuôi được hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tái đàn và dự kiến doanh thu; hỗ trợ giống cỏ, giới thiệu các hình thức góp vốn trong sản xuất, kinh doanh, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nông dân vùng cao Bắc Yên còn được hướng dẫn làm chuồng nuôi nhốt trâu, bò, cải thiện sinh kế. Ảnh" Tuấn Hiển

Anh Tòng Văn Long, Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi bản Mảy, xã Chiềng Chung, chia sẻ: Tham gia dự án, 20 hộ thành viên được tập huấn về an toàn sinh học và phòng ngừa dịch bệnh trong chăn nuôi; kỹ thuật chế biến thức ăn chăn nuôi, cách xây dựng hợp đồng hợp tác, lập kế hoạch sử dụng vốn trong sản xuất và kinh doanh, giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng chăn nuôi...

Tháng 4/2024, UBND tỉnh Sơn La và Đại sứ quán Ô-xtrây-lia tại Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận thực hiện Dự án GREAT 2. Kế thừa các thành quả đạt được của giai đoạn 1 (2017-2022), Dự án GREAT 2 Sơn La tiếp tục áp dụng các phương thức tiếp cận hiệu quả và mở rộng các mô hình thành công được thiết kế, tạo ra các thay đổi bền vững, có khả năng nhân rộng. Trọng tâm của Dự án là phát triển hệ thống thị trường các ngành hàng nông nghiệp, tăng cường các năng lực ngành du lịch, qua đó, gia tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Dự kiến hơn 15.000 phụ nữ, trong đó 70% là phụ nữ dân tộc thiểu số tại tỉnh Sơn La sẽ hưởng lợi từ Dự án GREAT 2 Sơn La. Dự án giúp nâng cao thu nhập; được tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội giúp nâng cao vị thế và sự tự tin của người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và môi trường sản xuất - kinh doanh.

Bà Cherie Anne Russell, Tham tán Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, cho biết: Chúng tôi cam kết thực hiện Dự án GREAT tại Sơn La, trong 2 giai đoạn triển khai từ năm 2023 đến 2027 trên địa bàn 12 huyện, thành phố, có tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA không hoàn lại là 236 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Sơn La là 14,5 tỷ đồng.

Tại lễ khởi động giai đoạn 2 Dự án GREAT 2, đồng chí Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã bày tỏ sự trân trọng của tỉnh Sơn La đối với cam kết hỗ trợ lâu dài của Chính phủ Ô-xtrây-li-a trong việc hỗ trợ tỉnh thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng xanh, bền vững và bao trùm.

Sơn La đang triển khai hiệu quả chương trình tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2020-2025, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quy trình tiếp nhận, thẩm định phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các chương trình, dự án tài trợ; tăng cường thu hút viện trợ cho mục tiêu phát triển bền vững của địa phương trên các lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, giáo dục - đào tạo, y tế, tài nguyên và môi trường…, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới