Tạ Bú khai thác tiềm năng phát triển kinh tế

Là xã vùng III của huyện Mường La, Tạ Bú có 4 dân tộc, hơn 1.200 hộ sinh sống ở 12 bản, kinh tế của xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống người dân.

Giọng nữ
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn các tổ TK&VV xã Tạ Bú sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách. 

Ông Lò Văn Bước, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Khai thác hiệu quả trên 5.000 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết, đề ra các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế. Đồng thời, vận động nhân dân trồng cây ăn quả trên đất dốc; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất. Các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng cho 611 hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế, tổng dư nợ hơn 27 tỷ đồng. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Thanh niên lập thân lập nghiệp”... thu hút hội viên, đoàn viên tham gia.

Năm 2021, bản Két được huyện Mường La chọn triển khai thí điểm 3 ha dứa Queen, hiện nay đã mở rộng lên 5 ha, với 8 hộ tham gia, bà con đang tiếp tục đăng ký liên kết tham gia mô hình trồng măng tre bát độ, với diện tích gần 20 ha. Ông Lường Văn Dương, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết. Bản có 113 hộ, Ban quản lý bản và các đoàn thể đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thành lập HTX Minh Trọng Tạ Bú để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Thành viên HTX Minh Trọng Tạ Bú, chăm sóc diện tích dứa.

Là thành viên HTX Minh Trọng Tạ Bú, gia đình anh Lò Văn Hinh có 3 ha cây ăn quả trồng xen cây dứa và 2 ha sắn, nuôi 3 con lợn nái, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng. Anh Hinh chia sẻ: Tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Còn ở bản Tạ Búng, nhiều gia đình đã đầu tư đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất, cho thu nhập ổn định. Ông Lò Văn Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, thông tin: Chi bộ, Ban quản lý bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi một số diện tích đất nương sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, bản có 80 ha xoài; năm 2021, bản được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ làm mô hình thí điểm ghép cải tạo 5 ha xoài địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ngoài ra, bà con tập trung thâm canh 90 ha ngô, sắn, nuôi gần 1.500 con gia súc, gia cầm; thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm, bản chỉ còn 6 hộ nghèo.

Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế ở Tạ Bú, là xã đã vận động bà con trồng được 200 ha chuối, năng suất bình quân hơn 20 tấn/ha. Tháng 10/2023, chị Quàng Thị Mai đã vận động 10 hộ thành lập HTX nông sản HT. Với sự hỗ trợ của huyện, HTX đã đầu tư máy chiên, máy sấy công nghiệp, máy hút chân không, máy tách dầu ly tâm để chế biến các sản phẩm từ quả chuối. Hiện nay, mỗi ngày HTX thu mua 100 kg chuối quả tươi, sản xuất từ 20-30 kg chuối sấy khô, sấy dẻo cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nông dân bản Tạ Búng, xã Tạ Bú, huyện Mường La phát triển chăn nuôi gia súc. 

Chị Quàng Thị Mai, Giám đốc HTX nông sản TH, chia sẻ: Ngoài các sản phẩm từ chuối sấy dẻo, sấy giòn, HTX còn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, như mật ong, phấn hoa, các loại quả và nông sản khác. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đã hướng dẫn HTX mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ; thiết kế mẫu mã bao bì, đăng ký xây dựng sản phẩm chuối lắc phô mai thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Chủ tịch UBND xã Lò Văn Bước, cho biết thêm: Từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Tạ Bú được xây dựng, phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Hiện nay, tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản đều đi được 4 mùa; 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Xã đang tập trung rà soát hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp hỗ trợ cụ thể; lồng ghép các nguồn vốn để triển khai hỗ trợ sinh kế và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, phấn đấu đến hết năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 18,6%.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới