Đưa hàng Việt về nông thôn

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại tỉnh ta thời gian qua đã được triển khai sâu rộng gắn với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tác động tích cực đối với người tiêu dùng và làm thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp đã triển khai, hướng dẫn đến các cơ quan, đơn vị và địa phương tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với các doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà sản xuất về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mặt trận Tổ quốc các cấp đưa nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, “Tuần hàng Việt Nam”. Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp triển khai “Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”. Tỉnh đoàn, Chữ thập đỏ triển khai phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện các gian hàng, phiên chợ không đồng tại một số xã vùng 3 trên địa bàn tỉnh...

Người dân mua sắm các sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La tại cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của HTX du lịch Pha Đin, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. 

Các huyện, thành phố, sở ban, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép trong các chương trình hội nghị, phiên họp, hội thảo; đăng tải thông tin trên các ứng dụng mạng xã hội, trên trang thông tin điện tử của các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị. Năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức xây dựng, phát hành 5.000 sách ảnh giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh. Sở Công Thương biên tập và phát hành các tài liệu tuyên truyền: Cuốn Cẩm nang "Những điều cần biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng"; Video clip "Lịch sử ngày quyền của người tiêu dùng thế giới và tại Việt Nam"; bài tuyên truyền cổ động về ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3 phát trên loa phát thanh tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà văn hóa tổ bản, xe cổ động... Bên cạnh đó, các cấp chính quyền đã quan tâm rà soát việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh, phục vụ người tiêu dùng; khuyến khích và định hướng tiêu dùng hàng Việt Nam trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản công.

Cửa hàng kinh doanh tạp hóa xã Mường Bú, huyện Mường La.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ: Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam tại tỉnh Sơn La; khảo sát và lựa chọn hỗ trợ xây dựng được các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu, như: Cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của HTX du lịch Pha Đin, Phổng Lái (Thuận Châu); điểm dừng nghỉ Hoa lan Mộc Châu; cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của Công ty cổ phần chè Chiềng Đi; siêu thị đặc sản Mộc Châu Food của HTX đặc sản Tây Bắc; điểm dừng nghỉ ăn uống, quà đặc sản Nam Hưng 70.

Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức các hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hàng hóa được trưng bày và bán trong hội chợ chủ yếu là hàng Việt và hàng nông sản của địa phương. Tính riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 14 hội chợ tại 12 huyện, thành phố, thu hút trên 150.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 104 chợ truyền thống, trên 16.000 cửa hàng, cơ sở bán lẻ các loại, các mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu sản xuất ở Việt Nam.

Tại cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của HTX du lịch Pha Đin, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu đang trưng bày, giới thiệu và kinh doanh gần 50 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao trên địa bàn tỉnh. Anh Bùi Ngọc Thắng, Giám đốc HTX du lịch Pha Đin, cho biết: Năm 2018, được Sở Công Thương lựa chọn hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại HTX, các sản phẩm được bày bán tại cừa hàng được nhiều du khách tìm hiểu mua sắm mang về làm quà, góp phần lan tỏa hơn việc sử dụng các sản phẩm OCOP của Sơn La cũng như nhu cầu dùng hàng Việt Nam có chất lượng.

Người dân lựa chọn thương hiệu cà phê Việt Nam tại Đại lý hàng tiêu dùng thị trấn Phù Yên. 

Dạo quanh một số cửa hàng tạp hóa đại lý cấp 1, siêu thị lớn trên địa bàn thị trấn và một số xã tại huyện Phù Yên, dễ dàng nhận thấy các mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu sản xuất ở Việt Nam được đông đảo người dân tin tưởng chọn mua. Chị Vì Thị Huyền, bản mo 4, xã Quang Huy, chia sẻ: Chất lượng của hàng Việt giờ đây không kém hàng nhập khẩu, mẫu mã đa dạng và giá cả cũng phù hợp, được người dân ưa chuộng, lựa chọn mua. 

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tiếp cận các sản phẩm hàng Việt giá cả phù hợp với thu nhập. Việc đưa hàng Việt về vùng nông thôn đã từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng tốt trong nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các sản phẩm hàng Việt giá cả phù hợp với thu nhập, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, góp phần nâng cao sức khỏe nền kinh tế đất nước.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới