Chiềng Ban chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, đã phát triển các loại cây có lợi thế, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương.

Giọng nữ

Ông Đoàn Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, cho biết: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, trước tiên, chúng tôi xác định các loại cây chủ lực, sau đó xã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với đơn vị, phòng ban chuyên môn của huyện tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, áp dụng các kỹ thuật mới vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ để tăng giá trị hàng hóa trên diện tích canh tác. Đồng thời, tạo thuận lợi cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

Khu trồng rau theo quy trình VietGAP tại bản Mai Khoang, xã Chiềng Ban.

Phiêng Quài Tong Chinh là một trong những bản đi đầu về phát triển kinh tế. Ông Lò Văn Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, thông tin: Ban quản lý bản tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng đất đai tích cực sản xuất, áp dụng các kỹ thuật mới vào cây trồng, vật nuôi, chú trọng thâm canh tăng vụ để tăng thu nhập. Bản hiện đang trồng trên 100 ha cây cà phê, trồng xen canh hơn 50 ha các loại cây mắc ca, nhãn, rau màu các loại và 5 ha cây thanh long, đem lại thu nhập trung bình đạt 57 triệu đồng/người/năm.

Người dân bản Phiêng Quài Tong Chinh chăm sóc cà phê.

Thành lập từ năm 2016, HTX Phiêng Quài có 15 thành viên, trồng gần 60 ha cây cà phê và các loại cây nhãn, mắc ca, mận hậu xen canh. Ngoài ra, HTX còn trồng 3 ha cây thanh long, 3 ha rau màu các loại. Anh Lò Văn Nghĩa, Giám đốc HTX, chia sẻ: Bình quân hằng năm HTX thu được gần 1.200 tấn quả các loại, doanh thu gần 13 tỷ đồng/năm; bình quân các thành viên thu gần 1 tỷ đồng/năm, cuộc sống ngày càng ổn định, từng bước làm giàu.

Phong trào phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao, cuộc sống người dân từng bước ổn định đã tạo động lực cho nhân dân các bản trong toàn xã tích cực sản xuất. Tại bản Củ, nhân dân trong bản đang tập trung trồng, chăm sóc 167 ha cây cà phê; hơn 3 ha cây xoài, nhãn, 5 ha cam và 2 ha cây rau màu các loại. Ngoài ra, nhân dân còn tận dụng đất ven đồi, nương trồng gần 5 ha cỏ voi phục vụ thức ăn cho gần 200 con trâu, bò; chăn nuôi trên 500 con lợn và 10.000 con gia cầm các loại.

Ông Hoàng Văn Thoan, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Củ, thông tin: Bản có 182 hộ. Cây cà phê là cây chủ lực, tập trung áp dụng chăm sóc theo hướng hữu cơ, đem lại năng suất suất, chất lượng cao, được các công ty, doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng cà phê đạt trên 2.500 tấn/năm, doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng; thu nhập đạt 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của bản còn 0,3%.

Là một trong những hộ đi đầu trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng xen canh cây có múi với cà phê đem lại hiệu quả kinh tế, ông Hoàng Văn Chất, bản Cù, chia sẻ: Thực hiện chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã, tôi đã tìm hiểu và học hỏi nhiều mô hình cây ăn quả từ các tỉnh, như: Hưng Yên, Bắc Giang. Năm 2014, gia đình đã trồng xen canh một phần diện tích đất trồng cam với cây cà phê. Đến nay, trên diện tích 4 ha, gia đình tôi đã trồng xen hơn 4.000 cây cam Vinh lòng vàng, cam V2, cam C36, cam đỏ, cam Mỹ, cam đường và bưởi da xanh cùng với 2 ha cà phê trồng xen canh đã cho thu hoạch. Tổng sản lượng đạt hơn 50 tấn, doanh thu gần 3 tỷ đồng.

Hiện nay, xã Chiềng Ban có 1.250 ha cây cà phê; gần 254 ha cây ăn quả (nhãn, cam, xoài, bơ, mắc ca, thanh long…). Ngoài ra, nhân dân trong xã đang trồng 15 ha cây rau màu các loại. Năm 2024, giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác đạt trung bình 100 triệu đồng/ha, tổng sản phẩm xã hội đạt gần 448 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,97%.

Tiếp tục đẩy mạnh trồng, chăm sóc các loại cây chủ lực để phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống cho nhân dân, phấn đấu năm 2025 bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người, xã Chiềng Ban tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, giúp người dân địa phương nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh liên doanh, liên kết tiêu thụ nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch đề ra.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới