Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước đầu tư cho giáo dục, huyện Bắc Yên đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn.
Hằng năm, các đơn vị giáo dục, trường học đã xây dựng kế hoạch về công tác xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, trường lớp, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Việc tiếp nhận, quản lý, theo dõi, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa được thực hiện công khai, minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên, cho biết: Toàn huyện có 42 đơn vị trường học trực thuộc, hơn 20.000 học sinh. Từ năm 2022 đến nay, toàn ngành huy động hơn 3 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng công trình trường, lớp học và các trang thiết bị đồ dùng học tập, đồ dùng cá nhân cho học sinh ở các trường, điểm trường. Cùng với đó, Dự án “Nuôi em Mộc Châu” của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh được triển khai tại 22 điểm trường của 10 trường mầm non trên địa bàn huyện, hơn 1.200 học sinh thụ hưởng, tổng trị giá 1,7 tỷ đồng hỗ trợ bữa ăn trưa cho các cháu mầm non.
Trong các công trình được hỗ trợ, nổi bật là nhà bán trú Trường tiểu học Chim Vàn do Quỹ Học bổng Vừ A Dính và Quỹ LOAN Stiftung đầu tư xây dựng. Công trình có quy mô 4 phòng, diện tích 90 m2, tổng kinh phí trên 461 triệu đồng. Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Nhờ nguồn đóng góp của nhà hảo tâm, tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, giúp nhà trường hoàn thiện cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng giáo dục và hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Còn tại Trường tiểu học và THCS Tà Xùa, nhóm tình nguyện “Chắp cánh ước mơ” đã hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng mô hình “Thư viện xanh” trong khuôn viên nhà trường, quy mô hơn 50 m², giá sách được phân loại theo từng mục, như: Sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện tranh, báo, tạp chí. Công trình dự kiến khánh thành, đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới này, phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu của học sinh. Thầy giáo Lê Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Tà Xùa, phấn khởi nói: Mô hình “Thư viện xanh” giúp hình thành văn hóa đọc trong nhà trường, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho học sinh vùng cao. Đồng thời, giúp các em thêm hiểu biết, cải thiện ngôn ngữ tiếng Việt, tự tin phấn đấu vươn lên trong học tập.
Hiệu quả từ hoạt động xã hội hóa giáo dục ở Bắc Yên, tạo chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, trường, lớp ngày càng khang trang, công tác dạy và học có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Hằng năm, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp chiếm 98,3%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi 100% hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; 100% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Năm học 2022-2023, toàn huyện có 27 học sinh lớp 9 đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh; 3 tập thể, 1 cá nhân được công nhận đạt giải cấp tỉnh tại Hội thi sáng tạo đồ dùng đồ chơi; Hội thi khoa học kỹ thuật...
Trước thềm năm học 2023-2024, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn huyện Bắc Yên tiếp tục được đầu tư kiên cố, khang trang; toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia; các phòng chức năng, phòng bộ môn, phòng ở nội trú bán trú cho học sinh, phòng công vụ cho giáo viên, phòng thư viện, bếp ăn bán trú được xây dựng đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt và học tập của giáo viên, học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!