Đây là nội dung chính của Đề tài “Thực trạng và giải pháp về thấu hiểu bản thân của học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 tại một số trường trên địa bàn thành phố Sơn La” của nhóm tác giả là học sinh Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An, Trường Đại học Tây Bắc. Đề tài được đánh giá có tính ứng dụng cao và đạt giải Ba trong Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2023 vừa qua.
Đối với mỗi người việc thấu hiểu bản thân hay khả năng tự nhận thức đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tâm lý; là điều kiện cần thiết, tất yếu để con người tự đánh giá và tự điều khiển hành vi theo mục đích tự giác. Khả năng thấu hiểu bản thân sẽ là cơ sở giúp cá nhân tự điều chỉnh, điều khiển bản thân phù hợp với yêu cầu của xã hội, yêu cầu của tập thể. Nhận thức về bản thân, thấu hiểu chính mình không chỉ là vấn đề nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là nhu cầu thiết yếu muốn được tìm hiểu của chính các bạn học sinh. Đó là những nhận định của nhóm tác giả Trần Bảo Ngọc và Vũ Thị Thu Ngân, học sinh lớp 12A, Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An khi thực hiện đề tài.
Em Trần Bảo Ngọc chia sẻ: Qua khảo sát chúng em thấy, chỉ tính riêng đối với học sinh từ lớp lớp 9 - 12 trên địa bàn thành phố Sơn La cũng đang gặp phải một số vấn đề liên quan đến khả năng thấu hiểu bản thân như khó kiểm soát được cảm xúc, chưa nhận thức rõ các vấn đề của bản thân, còn chọn sai ngành nghề, mất phương hướng khi lựa chọn công việc phù hợp với năng lực... Trong khi, các hoạt động ngoại khóa và sự quan tâm, hỗ trợ từ gia đình, nhà trường cũng chưa triệt để. Do đó, việc nhận thức được bản thân, hiểu điểm mạnh, điểm yếu, niềm đam mê, thiên hướng và khả năng của bản thân sẽ là tiền đề quan trọng, cốt lõi giúp các em xác định giá trị bản thân và định hướng phát triển nhân cách cũng như lựa chọn nghề cho tương lai một cách hiệu quả.
Từ tháng 8/2022, dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường TH, THCS & THPT Chu Văn An, nhóm tác giả đề tài đã sử dụng phiếu khảo sát sơ bộ dành cho 656 học sinh và phỏng vấn sâu một số thầy cô, phụ huynh và học sinh. Tiếp đó là xây dựng lại bảng hỏi, tiến hành khảo sát 980 bạn học sinh tại 5 đơn vị trường học cùng một số thầy cô và phụ huynh học sinh theo cả 2 hình thức online và offline. Sau khi xử lý số liệu bằng thống kê excel, SPSS (công cụ phân tích dữ liệu khoa học) nhóm đã tiến hành viết báo cáo, đề xuất giải pháp từ nhu cầu, ý kiến đóng góp của các bạn học sinh, đồng thời thực hiện giải pháp và đánh giá lại hiệu quả các giải pháp đã thực hiện tại 2 trường học.
Đề tài đã tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề dựa trên nguồn tài liệu đa dạng và tin cậy với khoảng 50 tài liệu cả trong và ngoài nước; đã tiến hành thực hiện 5 phiếu khảo sát trên tổng số 980 học sinh, 20 giáo viên và 138 phụ huynh. Qua khảo sát cho thấy, phần lớn học của các trường được thực hiện điều tra có khả năng thấu hiểu ở mức độ trung bình; tùy vào yếu tố giới tính, dân tộc, học lực, hoàn cảnh gia đình… khả năng thấu hiểu bản thân của các em cũng có sự khác biệt. Nhóm sử dụng phiếu khảo sát gồm 20 câu hỏi của tác giả Tasha Eurich để khảo sát sơ bộ 656 học sinh về 6 giá trị của thấu hiểu bản thân, như: Cảm xúc; ảnh hưởng của cá nhân; đam mê, mục tiêu; giá trị, nguyên tắc; điểm mạnh, điểm yếu; môi trường lý tưởng.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung thông tin: Qua khảo sát lần 1, nhóm thực hiện đề tài thu được kết quả là khả năng thấu hiểu bản thân của đại đa số học sinh được nghiên cứu đạt mức trung bình 58%, mức thấp 32,2%, mức cao chiếm 9,8%. Điều này cho thấy, khả năng thấu hiểu bản thân của học sinh chủ yếu ở mức trung bình và thấp. Mặt khác, để nghiên cứu chi tiết các giá trị về thấu hiểu bản thân (cảm xúc, điểm mạnh – điểm yếu và mục tiêu mong muốn của bản thân) với 3 mức độ của thang đo Likert, nhóm đã tiến hành khảo sát lần 2 dựa trên hệ thống thang đo do nhóm nghiên cứu và xây dựng lại với sự hỗ trợ của chuyên gia, đồng thời, sử dụng phần mềm SPSS để xử lí số liệu. Kết quả cho thấy, mức độ thấu hiểu bản thân của học sinh phần lớn nằm ở mức trung bình 52,45%, mức cao 33,16%, mức thấp 14,39%. Qua hai lần khảo sát, khẳng định mức độ thấu hiểu bản thân của đa số học sinh từ lớp 9-12 tại một số trường học trên địa bàn thành phố Sơn La ở mức trung bình và thấp – kết quả này hoàn toàn phù hợp với giả thuyết mà nhóm đưa ra.
Sau khi khảo sát và phỏng vấn sâu các thầy cô, bố mẹ và học sinh, nhóm nghiên cứu nhận thấy có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới mức độ thấu hiểu bản thân của học sinh. Trong đó, yếu tố tích cực tham gia hoạt động, giao lưu của chính bản thân học sinh có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới khả năng tự thấu hiểu của các em. Và nhóm các em học sinh có mức độ thấu hiểu bản thân thấp đều chia sẻ khó khăn trong việc chưa hiểu ý nghĩa, chưa có công cụ để có thể thấu hiểu bản thân được tốt hơn. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp nhằm hướng đến giải quyết những khó khăn và ảnh hưởng của tính tích cực hoạt động giao lưu của cá nhân; biện pháp hướng tới tạo sân chơi, điều kiện cho các bạn tham gia hoạt động và cung cấp công cụ giúp các bạn học sinh nâng cao khả năng thấu hiểu bản thân.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất một số kiến nghị, như: Cần tăng cường tập huấn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của của thấu hiểu bản thân; tạo điều kiện cho học sinh khám phá bản thân bằng cách tổ chức các hoạt động học tập, hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa giao lưu giúp học sinh có cơ hội thấu hiểu bản thân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!