Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp đã lồng ghép nhiều giải pháp trong hoạt động giảng dạy tiếng Việt cho học sinh ở hai cấp học này.

Trên địa bàn huyện có trên 96% học sinh là người dân tộc thiểu số. Khó khăn của học sinh dân tộc thiểu số khi đến trường là khả năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, học tập. Tại một số bản vùng cao, biên giới, đường giao thông khó khăn, dân cư phân tán, chủ yếu tập trung người dân tộc thiểu số, cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt của trẻ càng khó khăn hơn.

Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, cho biết: Phòng đã tham mưu với UBND huyện ban hành kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiểu học, mầm non về phương pháp, kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học để tăng cường tiếng Việt. Đồng thời, gắn tăng cường tiếng Việt cho trẻ với các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”... tạo môi trường tốt cho trẻ rèn luyện.

Giờ học tại Trường mầm non Hoa Đào, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp.

Tại các nhà trường, giáo viên các nhóm lớp xây dựng “Góc tiếng Việt”, “Góc địa phương”, “Thư viện xanh”, tạo môi trường để trẻ được khám phá, trải nghiệm và trau dồi vốn tiếng Việt. Tổ chức ngày hội đọc sách, hội thi giao lưu tiếng Việt, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Các trường khai thác sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng mô hình thư viện thân thiện, tạo không gian đọc cho học sinh, đảm bảo tạo môi trường học tập thân thiện phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề, lớp học.

Ra lớp đúng độ tuổi (3 tuổi) được coi là “thời điểm vàng” để tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp đúng độ tuổi, với nhiều hình thức: Trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh; tuyên truyền tại các cuộc họp phụ huynh; trên loa truyền thanh của xã, bản. Đến nay, 98% số trẻ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp; trẻ mầm non và học sinh tiểu học được tăng cường tiếng Việt phù hợp với độ tuổi; 100% giáo viên tiểu học, mầm non sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, thiết kế các bài giảng thu hút trẻ tham gia.

Trường mầm non Hoa Đào, xã Púng Bánh, có 97% số trẻ là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, Ban Giám hiệu, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn quan tâm và tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh. Cô giáo Lò Thị Uôn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có 72 trẻ, khi nhập học đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Trước thực tế đó, nhà trường đã vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp 2 buổi/ngày; tổ chức dạy học theo các chuyên đề tăng cường tiếng Việt; thường xuyên lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, đọc thơ, ca dao. Hàng năm, 100% trẻ đều phát âm và nhận biết chuẩn tiếng Việt; 100% trẻ chuẩn bị vào lớp 1 đều giao tiếp thông thạo tiếng Việt.

Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Nà Khoang, xã Mường Và, có 1 điểm trường chính và 9 điểm trường lẻ, với 45 lớp, 1.123 học sinh, trong đó, gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhà trường đã khuyến khích giáo viên tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ, tăng thời gian luyện nói cho học sinh.

Cô giáo Lò Thị Thỏa, phụ trách lớp 1, điểm trường Cáp Ven, Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Nà Khoang, cho biết: Ngay từ đầu năm học, tôi chủ động trang trí lại lớp học bằng nhiều tranh ảnh, khẩu hiệu; sưu tầm những bài hát thiếu nhi phát vào giờ nghỉ giải lao; phụ đạo thêm các em còn chậm. Đến nay, các em trong lớp đã nghe hiểu, giao tiếp cơ bản bằng tiếng Việt.

Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các giáo viên, phụ huynh, hằng năm, trên 90% số học sinh tiểu học và trẻ mầm non trên địa bàn huyện Sốp Cộp đủ kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới