Nhân rộng mô hình phòng học thông minh

Thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi số, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường, lớp học, trang thiết bị dạy và học; chú trọng xây dựng các nền tảng số, hướng đến trường học thông minh, lớp học thông minh.

Thực hiện thành công mô hình thí điểm

Năm 2023, Trường THPT Chuyên Sơn La và Trường THPT Tô Hiệu được triển khai mô hình phòng học thông minh. Đây là một trong hai trường được ngành GD&ĐT chọn thí điểm để nhân rộng ra trong toàn tỉnh. Phòng học gồm 1 máy tính laptop dành cho giáo viên; hệ thống Wifi, camera giám sát hai chiều; bảng tương tác; máy tính bảng cho học sinh; phần mềm giải pháp giáo dục thông minh Smart Edu.

Thầy giáo Trần Doãn Quyết, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Sơn La, cho biết: Từ khi triển khai phòng học thông minh đến nay, trường đã cho giáo viên đăng ký dạy các tiết Toán, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn để giáo viên và học sinh nắm bắt và làm quen với cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hệ thống phần mềm, cách tương tác và thực hiện các hoạt động dạy - học.

Qua đánh giá, nhiều tiết học cho thấy ưu điểm là tạo môi trường học tập tích cực và trải nghiệm đa dạng, các thiết bị công nghệ hiện đại được áp dụng đảm bảo tiếp cận mọi học sinh với mức độ hiểu biết đồng đều. Bài giảng, giáo trình kết hợp hình ảnh, âm thanh, video sinh động, cuốn hút, đã tăng cường sự tương tác, hợp tác giữa học sinh và giáo viên. Ngoài ra, sau mỗi bài tập dưới hình thức trắc nghiệm, hệ thống sẽ tự động phân tích, đánh giá mức độ hiểu bài, mức độ tiếp thu kiến thức và kĩ năng vận dụng thực hành, từ đó giúp giáo viên biết được năng lực của từng học sinh để phân loại giảng dạy.

Tại phòng học thông minh của Trường THPT Tô Hiệu, bằng việc truy cập mã số lớp học, đăng nhập vào tài khoản cá nhân là học sinh sẽ vào học thông qua giáo trình kỹ thuật số. Giáo trình dạy học gồm: Video, âm thanh, hình ảnh với góc nhìn 360 độ. Nổi bật của phòng học là giáo viên có thể biên soạn và phân phát tài liệu số trực tiếp đến lớp học qua các thiết bị máy tính bảng được phát cho từng học sinh. Không cần gọi học sinh lên bảng kiểm tra miệng, hay làm bài kiểm tra ra giấy, với thiết bị trả lời câu hỏi trực tiếp qua màn hình cảm ứng tương tác, giáo viên có thể kiểm tra nhanh kiến thức bài học và dễ dàng soi chiếu kết quả của tất cả học sinh trong lớp.

Cô giáo Trần Thị Thúy Nga, giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Tô Hiệu, thông tin: Lợi ích của phòng học thông minh đó là sự tương tác giữa cô và trò, tăng khả năng tư duy, kỹ năng làm việc nhóm cho học sinh. Đối với môn Tiếng Anh, những thiết bị thông minh đã bổ trợ nhiều cho học sinh, nhất là kỹ năng nghe.

Giờ học tại lớp học thông minh Trường THPT Tô Hiệu

Em Nguyễn Lưu Quý, lớp 11 A11, Trường THPT Tô Hiệu, chia sẻ: Học tại phòng học thông minh, em thấy các bài giảng dễ hiểu. Trong quá trình học nếu có chỗ nào chưa hiểu em xem lại bài giảng trên thiết bị. Khi làm bài tập được đánh giá luôn trên lớp, nên em biết sửa sai chỗ nào. Việc tiếp cận với các thiết bị tại phòng học với em cũng khá dễ dàng.

Giờ học môn Toán tại lớp học thông minh Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố

Còn tại Phòng GD&ĐT Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố triển khai thí điểm mô hình phòng học thông minh tại lớp học khối 7, Trường THCS Nguyễn Trãi, với giá trị đầu tư gần 1 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Full House Việt Nam tài trợ thiết bị lớp học 320 triệu đồng; phụ huynh lớp đầu tư máy tính tổng trị giá gần 540 triệu đồng; nhà trường hỗ trợ các thiết bị phục vụ giảng dạy gần 30 triệu đồng; còn lại các thiết bị khác của lớp học trên 30 triệu đồng.

Lớp học thông minh tại Trường THCS Nguyễn Trãi được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học, như máy vi tính, màn hình tương tác, hệ thống âm thanh, ti vi thông minh… Tất cả được tích hợp đầy đủ các dữ liệu cần thiết: Sách giáo khoa điện tử, giáo trình điện tử bộ môn theo chuẩn của Bộ GD&ĐT… Hệ thống được quản lý bởi phần mềm trực tuyến, giúp giáo viên thực hiện giờ dạy, với các hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh, thông qua việc sử dụng các thiết bị đã tích hợp trong lớp học thông minh. Ngoài ra, mô hình lớp học thông minh hỗ trợ giáo viên vận dụng tối đa các tính năng được tích hợp để mở rộng kiến thức cho học sinh, giúp các em hào hứng với giờ học và tăng kỹ năng tương tác đa chiều.

 “Số hóa” các lĩnh vực giáo dục

Xây dựng và triển khai mô hình phòng học thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, với mục tiêu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục Sơn La, ứng dụng các mô hình công nghệ thông minh, trở thành phương tiện hỗ trợ hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Giáo viên hướng dẫn học sinh đăng nhập mã số trước khi vào học

Sở GD&ĐT đã thành lập tổ công tác tham mưu xây dựng trường học thông minh; chỉ đạo lựa chọn Trường THPT Tô Hiệu, THPT Chuyên triển khai thí điểm mô hình xây dựng phòng học thông minh. Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu và đi học tập kinh nghiệm tại Quảng Ninh và Hà Nội về triển khai trường học thông minh.

Phối hợp với VNPT lắp đặt các thiết bị hệ thống mạng LAN, Wifi và đường truyền Internet đảm bảo phủ sóng tại mọi điểm của trường, kết nối 100% các máy tính và hệ thống điều hành nội bộ trường; dung lượng mạng lớn, tốc độ đường truyền cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ đạo các trường tổ chức cho giáo viên học tập kinh nghiệm về triển khai dạy học qua các phần mềm, thiết bị công nghệ mới. Nghiên cứu xây dựng giáo án, triển khai tối đa công suất phòng học, đặc biệt đối với những môn học phù hợp như sinh học, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, tiếng Anh…

Ông Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, cho biết: Với chủ trương xây dựng trường học thông minh, phòng học thông minh nói riêng, giáo dục thông minh nói chung là một xu thế tất yếu của tương lai. Sau khi triển khai thí điểm các lớp học thông minh của 3 trường, Sở sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm, triển khai kỹ lưỡng về phương pháp và quy trình khai thác quy mô, rút kinh nghiệm toàn diện với các mô hình thí điểm và tham mưu nhân rộng, phù hợp với cơ sở vật chất và nguồn lực của tỉnh.

Giáo viên và học sinh sử dụng bảng tương tác thông minh đối với dạy và học hình học không gian.

Theo kế hoạch, trong năm học 2023-2024, tỉnh Sơn La sẽ xây dựng 30 phòng học thông minh cho 2 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 15 trường THCS và 5 trường THPT, cùng 3 thư viện số. Mỗi phòng học thông minh sẽ được đầu tư trên 500 triệu đồng với nhiều thiết bị hiện đại như: Màn hình tương tác; bảng viết điện tử; máy tính chuyên dụng cho giáo viên; máy chiếu vật thể; hệ thống camera truyền giảng và giám sát; bộ trả lời trắc nghiệm; hệ thống âm thanh; hệ thống internet; bảng từ; thiết bị điểm danh nhận diện khuôn mặt; bàn tương tác cho học sinh bậc mầm non, cùng nhiều hệ thống phần mềm chuyên dụng phục vụ hoạt động giáo dục như tiếng Anh, phần mềm 3D, quản lý lớp học & bài giảng, quản lý thư viện,…

Thực hiện mô hình lớp học thông minh, trường học thông minh, huyện Sông Mã đã đưa ra lộ trình trong 3 năm (2023-2025) để triển khai tại 53 trường tiểu học và THCS trong huyện. Hiện nay, 100% các trường đã đạt tiêu chí phủ sóng internet; trên 80% số trường học có ti vi, máy tính, máy chiếu phục vụ dạy - học. Các tiêu chí khác về trang thiết bị lớp học thông minh, hệ thống phần mềm quản lý học tập hay trang thiết bị học tập của học sinh cũng bắt đầu triển khai ở một số nơi.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, thông tin: Phòng triển khai điểm phòng học thông minh; tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng, khai thác, bảo quản trang thiết bị thông minh, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đổi mới giáo dục theo hướng giảm thuyết trình, tăng khả năng tự học. Huy động xã hội hóa để đầu tư trang thiết bị cần thiết phục vụ phòng học thông minh. Chỉ đạo các trường đẩy mạnh nghiên cứu, khai thác tối đa hiệu năng của các loại thiết bị, từ đó chuyển giao, tập huấn cho các giáo viên, nâng cao chất lượng tiết dạy.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị rà soát, mở rộng các mô hình lớp học thông minh tại một số cơ sở giáo dục có điều kiện để thực hiện. Tiếp tục đánh giá hiệu quả của việc xây dựng mô hình trường học, lớp học thông minh trước khi nhân rộng tất cả các bậc học. Tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động xã hội hóa huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Alo 114 -
    Mộc Châu là huyện trọng điểm về phát triển du lịch, công tác bảo đảm phòng chống cháy nổ trên địa bàn luôn được Công an huyện quan tâm, triển khai nhiều biện pháp, gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
  • 'Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Khoa Giáo -
    Với phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm” giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, Trường Mầm non Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.
  • 'Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Xã hội -
    Bằng nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn huyện Thuận Châu đã phát huy vai trò nòng cốt, là “cầu nối” trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
  • 'Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Sức khỏe -
    Đến với Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, chúng tôi ấn tượng với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang sạch đẹp, khuôn viên rộng rãi; phòng khám, điều trị được bố trí thuận tiện, có biển chỉ dẫn rõ ràng; y, bác sĩ tận tình thăm khám cho nhân dân.
  • 'Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Cải cách hành chính -
    Thực hiện phương châm tăng cường công khai giải quyết thủ tục hành chính trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí, tỉnh Sơn La đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
  • 'Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Huyện Phù Yên có dân số trên 121 nghìn người, chủ yếu sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc thu hút, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, quyền lợi và lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân, gia đình.