Với phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm”, những năm qua, Trường mầm non Hoa Ban, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai đã đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em.
Không gian rộng, thoáng mát, sạch sẽ, là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến Trường mầm non Hoa Ban. Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng, thông tin: Trường có 36 cán bộ, giáo viên, 22 nhóm lớp với 421 trẻ. Nhà trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, với 22 phòng học, 1 nhà hiệu bộ cùng các phòng chức năng, sân chơi và khu vận động, trang thiết bị, đồ dùng hỗ trợ giảng dạy và học tập. Nhà trường đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non.
Nhà trường đẩy mạnh các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trẻ ngoan, khỏe, học tốt”. Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, áp dụng những phương pháp mới vào giảng dạy, như: Cho trẻ tiếp cận với công nghệ thông qua ứng dụng kidsmart trên máy tính; lấy trẻ làm trung tâm, phát huy năng lực của trẻ; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non mọi lúc, mọi nơi; tổ chức các buổi học ngoại khóa ngoài trời để trẻ được vui chơi, trải nghiệm, học tập.
Ngoài ra, nhà trường đã lồng ghép nội dung về quê hương, đất nước, biển đảo vào các bài giảng, giúp cho trẻ dễ tiếp thu và tạo hứng thú cho trẻ khi học tập; tổ chức nhiều hoạt động kể chuyện về quê hương, đất nước, biển đảo, đọc thơ, làm bưu thiếp, vẽ tranh với nhiều chủ đề... Cán bộ, giáo viên của trường đã có nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, như: Giải pháp ứng dụng phương pháp Steam nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ cho trẻ; nâng cao hiệu quả xây dựng chương trình giáo dục mầm non thông qua lồng ghép một số nội dung văn hóa địa phương tại trường mầm non... Nhờ đó, chất lượng giáo dục trẻ nâng lên.
Với đặc thù 100% trẻ là dân tộc Thái, La Ha, nhà trường thực hiện chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2; trong đó, tập trung phát triển 5 yếu tố vào các lĩnh vực hoạt động, như: phát triển thể chất, nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội. Nhờ đó, trong các năm học, số trẻ đạt về ngôn ngữ và nhận thức luôn ở mức trên 95%, giúp trẻ tự tin khi bước vào lớp 1.
Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được thực hiện tốt, tổ chức nấu ăn 1 ngày 2 bữa (bữa chính buổi trưa, bữa phụ buổi chiều) kinh phí do phụ huynh đóng góp. Đồng thời, phối hợp với Trạm y tế xã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm học; cho trẻ uống thuốc tẩy giun, tiêm vắc xin và uống vitamin; hướng dẫn trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể.
Anh Quàng Văn Ngắm, bản Bung Én, xã Chiềng Bằng có con đang học tại trường, chia sẻ: Gửi con vào trường, chúng tôi rất yên tâm vì được các cô giáo chăm sóc, dạy bảo tận tình. Từ đó, chúng tôi có thời gian phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho con cái tốt hơn.
Với những nỗ lực trong công tác giáo dục và chăm sóc trẻ, năm 2021, nhà trường được UBND tỉnh công nhận Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, mức độ II. Năm học 2022-2023, nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc và giáo dục trẻ, xứng đáng niềm tin của phụ huynh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!