Kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tổng Cục Thuế… kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Toàn cảnh họp báo thường kỳ tại Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/4.
Toàn cảnh họp báo thường kỳ tại Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 6/4.

Chiều 6/4, tại cuộc họp báo thường kỳ, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ sẽ tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan như: Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tổng Cục Thuế… kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

TikTok bùng nổ tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, thế nhưng Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có đông người sử dụng TikTok nhất thế giới. Thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan...

Khác với Facebook, TikTok gợi ý nội dung cho người xem bằng thuật toán riêng do đơn vị này phát triển. Điều này cũng có nghĩa, các nội dung xấu, thông tin sai sự thật cũng có thể xuất hiện liên tục trước mắt người xem do gợi ý của thuật toán.

Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện đối với nền tảng mạng xã hội TikTok. Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5.

Theo ông Lê Quang Tự Do, cùng với việc kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông,.. để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để đánh giá toàn diện về tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Đồng thời, Bộ sẽ nâng cao hiệu quả của công cụ rà quét bao gồm cả hình ảnh, video trên Youtube, TikTok, Facebook. Tổ chức hội nghị với các nhà cung cấp dịch vụ của bên thứ ba (mạng đa kênh, Multi-channel Network-MCN) của Youtube, TikTok, Facebook để tăng cường hiệu quả quản lý về việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam giữa các mạng xã hội xuyên biên giới với các MCN và những người có sức ảnh hưởng (KOLs).

Xây dựng kế hoạch truyền thông để thúc đẩy, hình thành các xu hướng ứng xử văn hóa mạng lành mạnh. Phối hợp với Bộ Công thương quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử của TikTok Shop tại Việt Nam.

"Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp các tổ chức, cá nhân này không thực hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới