Tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 11, năm học 2023-2024, huyện Phù Yên có 7/10 dự án đoạt giải và đoạt giải nhì toàn đoàn. Đây là động lực lớn để học sinh trên địa bàn huyện tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật.
Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên chỉ đạo các trường học hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) phù hợp với điều kiện thực tế đơn vị trường học; tổ chức mỗi lớp thành nhóm nghiên cứu, đề xuất các ý tưởng, xây dựng sản phẩm tham gia thi vòng loại cấp trường.
Các ý tưởng tham gia cuộc thi sáng tạo KHKT của học sinh đa phần, tập trung nghiên cứu các lĩnh vực vật lý - kỹ thuật; khoa học xã hội hành vi; hóa - sinh môi trường... và ưu tiên sử dụng, tái sử dụng các vật liệu cũ, nguyên vật liệu thân thiện môi trường và có sẵn tại địa phương.
Năm học 2023-2024, huyện Phù Yên có 29 trường đăng ký tham gia cuộc thi cấp huyện, với 47 ý tưởng, 92 học sinh tham gia; trong đó, có 32 học sinh bậc THCS đến từ các xã vùng cao. Qua chấm điểm, có 2 ý tưởng đoạt giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba, 12 giải tư. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 10 dự án tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 11, năm học 2023-2024.
Bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, cho biết: Qua cuộc thi cho thấy, năng lực sáng tạo của học sinh trung học trong huyện, với các ý tưởng được nghiên cứu khá tỉ mỉ, chi tiết, phương pháp nghiên cứu khoa học, có tính ứng dụng cao trong đời sống. Điển hình, sản phẩm tủ sấy quần áo; máy sấy bát đĩa; thùng ủ rác hữu cơ trong hộ gia đình. Đặc biệt, các dự án nghiên cứu về hành vi xã hội, những vấn đề thường gặp của học sinh, như hiệu ứng đám đông - Tác động của hiệu ứng đám đông đến học sinh THCS; bắt nạt trực tuyến, thực trạng, giải pháp ứng phó của học sinh THCS; hiện tượng sống thu mình, mất kết nối với gia đình và nhà trường...
Thầy giáo Phạm Văn Liêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Kim Bon, cho hay: Năm học này, nhà trường tham gia với mô hình tự động điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ trong phòng thiết bị, đã đoạt giải tư cấp huyện. Đây là nguồn động lực để học sinh và các thầy, cô giáo hướng dẫn tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích, phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Là chủ để tài, em Bàn Thị Hà Giang, Trường tiểu học và THCS Kim Bon, chia sẻ: Mùa đông ở xã Kim Bon nhiệt độ thấp, độ ẩm trong phòng ở mức cao, đồ đạc, nông sản thường xuyên bị ẩm mốc. Từ đó, chúng em được thầy, cô đồng hành hướng dẫn lên ý tưởng và thực hiện mô hình “Tự động điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ trong phòng thiết bị theo nguyên lý cơ bản tăng nhiệt độ và thông gió để hút ẩm”. Theo đó, cảm biến nhiệt độ và độ ẩm sẽ kết hợp với các thiết bị khác, như quạt, máy sưởi tạo nhiệt từ phụ phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra độ ẩm phù hợp trong phòng thiết bị ở mức tương ứng với nhiệt độ phù hợp. Em mong rằng nghiên cứu sẽ được triển khai rộng để các phòng học, phòng thiết bị ở vùng cao hạn chế được tình trạng ẩm, mốc.
Còn Trường tiểu học và THCS Huy Tân, các em học sinh tập trung nghiên cứu những vấn đề tâm lý trong lứa tuổi học sinh, đề xuất những giải pháp giúp những bạn đồng trang lứa tháo gỡ, giải quyết những khó khăn. Em Bạc Hà Thảo Tiên, chủ đề tài, chia sẻ: Em nhận thấy, các bạn tham gia các trang mạng xã hội rất đông. Từ đó, các hành vi bắt nạt trực tuyến của một nhóm đối với từng cá nhân diễn ra phức tạp, người bị bắt nạt có tâm lý e sợ, không dám chia sẻ với gia đình, bạn bè và thầy cô giáo. Vì vậy, chúng em đã đề xuất ý tưởng nghiên cứu, đưa ra một số giải pháp xử lý, giúp người bị bắt nạt tự bảo vệ bản thân. Mong rằng nghiên cứu này của chúng em sẽ lan tỏa, đẩy lùi tình trạng này.
Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên tiếp tục chỉ đạo các trường học khuyến khích, khơi dậy niềm đam mê, yêu khoa học, sáng tạo của học sinh, hướng tới lợi ích cộng đồng và có tính nhân đạo, tính tuyên truyền lớn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!